Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Nghị quyết 25 chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cho biết: Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25 trong hệ thống MTTQ Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạng to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc triển khai Nghị quyết 25 góp phần tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới của cán bộ, đảng viên trong hệ thống MTTQ Việt Nam và nhân dân; là cơ sở, động lực của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo công tác, quan tâm công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp.
Thông qua Nghị quyết, các cuộc vận động, các phong trào thi đua của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của các địa phương trong công cuộc đổi mới đất nước.
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Hệ thống tổ chức MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội được kiện toàn, củng cố, giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên được chăm lo, bảo vệ; công tác tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên được chú trọng quan tâm hơn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu những hạn chế và nguyên nhân trong quá trình triển khai Nghị quyết 25; thảo luận và thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 25.
Theo đó, Đảng đoàn, các tổ chức Đảng trong hệ thống MTTQ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của MTTQ và các tổ chức thành viên, của cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vai trò, vị trí, nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; tham gia phối hợp giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống MTTQ Việt Nam; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 25.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị; nhấn mạnh, Nghị quyết 25 có 5 quan điểm, 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp tương đối toàn diện không chỉ ở trực tiếp những cơ quan công tác vận động quần chúng mà còn là công tác xây dựng đảng, chính quyền và xây dựng hệ thống chính trị; tác động đến lòng tin của nhân dân; góp phần xây dựng bảo vẹ Tổ quốc. Đối với MTTQ Việt Nam, Nghị quyết 25 nêu trực diện hai điểm, đó là phát động phong trào thi đua yêu nước, đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội.
Theo đồng chí Trương Thị Mai, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục phát triển từ Nghị quyết 25 nêu lên 3 vấn đề, đó là: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thể chế hóa với cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, theo phương châm: “Dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra”; công tác dân vận của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, công tác cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận.
Đối với công tác dân vận, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, chỉ bàn đến Nghị quyết 25 thì chưa đủ mà còn cần đề cập đến Nghị quyết 12 và một số Nghị quyết khác tại các Hội nghị Trung ương 4,5,6,7 khóa XII. Công tác dân vận mặt trận đang có những cơ hội và điều kiện thuận lợi trước mắt.
“Kinh tế xã hội đang phát triển tốt; an ninh quốc phòng đảm bảo, công tác đối ngoại thành công, đời sống nhân dân được cải thiện. Trên nền tảng đó, chúng ta có nhiều điều kiện để tiến hành công tác vận động quần chúng”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chỉ rõ.
MTTQ Việt Nam trong những năm gần đây có những kết quả nổi bật trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng nhân dân. Nhiều địa phương có những hướng đi đổi mới trong việc nắm bắt, tìm hiểu, xử lý những vụ việc nghiêm trọng. Công tác phối hợp trong hệ thống chính trị ngày càng được tăng cường.
Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, trong quá trình triển khai công tác dân vận, MTTQ Việt Nam cần đưa ra những khuyến nghị về các chính sách nhằm giảm thiểu sự rủi ro của người dân trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có thuận lợi nhưng cũng có thách thức không nhỏ.
MTTQ Việt Nam cần có những giải pháp thích nghi với những thuận lợi và khó khăn đặt ra. Vấn đề đổi mới phương thức hoạt động dân vận của MTTQ Việt Nam cũng cần được tiếp tục triển khai để theo kịp với tình hình hiện nay, yêu cầu của người dân và nhiệm vụ của Đảng.