Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu tập trung cho ý kiến về tính thống nhất của dự án Luật với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Thủy lợi...: phân loại dự án đầu tư thực hiện đánh giá tác động môi trường; thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Về giấy phép môi trường, nhiều đại biểu đồng tình với phương án 1 là chỉ dùng một loại giấy phép môi trường thay cho bảy loại, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Việc xác định một loại giấy phép môi trường thể hiện đúng thẩm quyền giao cho một cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và sẽ khắc phục được tình trạng nước thải xả ra môi trường phải chịu sự quản lý của hai loại giấy tờ do hai cơ quan quản lý cấp.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp ) cho rằng, nếu thực hiện theo phương án này thì sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính qua hình thức tích hợp giấy phép và rút ngắn thời gian, thủ tục cấp giấy phép giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Tuy nhiên để bảo đảm chặt chẽ cần phải có quy định cụ thể về quy trình cấp giấy phép; tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó ưu tiên hậu kiểm để bảo đảm thống nhất và không chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện nội dung.
Liên quan đến đánh giá tác động môi trường, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị nghiên cứu quy định phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường để làm căn cứ xác định danh mục dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, bảo đảm tính thống nhất của các luật có liên quan.
Theo đại biểu Phạm Văn Tuân nên xác định rõ tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường. Đồng thời căn cứ vào tiêu chí dự án đầu tư được phân thành bốn nhóm có nguy cơ gồm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ bảo đảm sự thống nhất xuyên suốt các tiêu chí môi trường trong việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường; bảo đảm tính linh hoạt trong việc điều chỉnh danh mục đối tượng phải đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này nếu đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất được các nội dung còn ý kiến khác nhau. Trường hợp còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Sau nội dung này, các đại biểu Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết này. Các ý kiến của đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết; đề nghị thông qua dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Kỳ họp thứ 10 theo quy trình một kỳ họp.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là hiện thực hóa đường lối hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta; qua đó khẳng định vai trò, trách nhiệm, uy tín, vị thế của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới, góp phần bảo vệ hòa bình bền vững cho đất nước. Đại biểu nêu: Tại Khoản 219 Hiến pháp 2013, Hội đồng Quốc phòng, an ninh được phép đưa lực lượng vũ trang tham gia các hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình khu vực và trên thế giới. Từ những cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc ban hành Nghị quyết về tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này là đúng đắn, cần thiết. Đại biểu cũng tán thành Nghị quyết này thông qua tại Kỳ họp thứ 10 theo quy trình một kỳ họp như Tờ trình Chính phủ và Báo cáo thẩm tra.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Thứ Hai, ngày 26/10, Quốc hội nghe và thảo luận trực tuyến về Báo cáo công tác và Báo cáo thẩm tra của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.