Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ngay từ đầu tháng 4/2024, trước khi triệu tập Kỳ họp thứ 7, để có cơ sở lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất nội dung, lĩnh vực chất vấn. Căn cứ vào đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội, Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp, lựa chọn kỹ lưỡng 7 nhóm vấn đề gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 5 nhóm vấn đề để xin ý kiến các đại biểu quyết định 4 nhóm vấn đề để Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Kiểm toán nhà nước.
Nội dung, chương trình, thời gian, thành phần từng cuộc chất vấn đã được gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và đại biểu Quốc hội. Người đứng đầu 4 lĩnh vực này sẽ chịu trách nhiệm trả lời chất vấn; cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ thay mặt Chính phủ, làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên chất vấn. Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn vào cuối Kỳ họp, đây là cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện và cũng là cơ sở để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội giám sát.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực hiện quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 tiếp tục được tiến hành theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”. Theo đó, người trả lời chất vấn có thời gian không quá 5 phút phát biểu về vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn. Mỗi lượt Chủ tọa phiên họp sẽ mời 3 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút. Chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi đại biểu chỉ nên tập trung vào 1 đến 2 vấn đề tâm đắc và trong phạm vi nội dung chất vấn tại kỳ này; mỗi lần phát biểu, đại biểu nêu 1 vấn đề là tốt nhất để có nhiều đại biểu được chất vấn và tạo điều kiện cho các Bộ trưởng, Trưởng ngành thuận lợi trong việc theo dõi, ghi chép, tổng hợp và trả lời đúng, trả lời đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại biểu Quốc hội được tranh luận với người trả lời chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn. Người hỏi không sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với các đại biểu Quốc hội đã chất vấn trước đó. Thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút; thời gian trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi. Các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành liên quan sẽ tham gia giải trình theo sự điều hành của Chủ tọa phiên họp để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Qua theo dõi, ghi chép tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 29/5 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, đại biểu Quốc hội nêu 7 vấn đề thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường; 4 vấn đề thuộc lĩnh vực Công Thương; 2 vấn đề thuộc lĩnh vực Văn hóa Thể thao và Du lịch; các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng đã trả lời một số nội dung. Các đại biểu Quốc hội, để tránh trùng lắp nội dung chất vấn, nếu thấy thật cần thiết thì mới trao đổi lại.
Các báo cáo liên quan đến nội dung nhóm vấn đề chất vấn đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội từ ngày 27/5/2024. Với việc chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho phiên chất vấn, cùng với kết quả thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trong những ngày vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã có thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo của các Bộ trưởng, Trưởng ngành để chất vấn làm rõ các nội dung, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành đối với lĩnh vực chất vấn. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành thông qua chất vấn của đại biểu Quốc hội sẽ có thêm thông tin để hoàn thiện các giải pháp có hiệu quả trong việc lãnh đạo, điều hành, tạo chuyển biến thực sự trong từng lĩnh vực quản lý.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm thực tiễn công tác, trình độ chuyên môn sâu và tình hình thực tế ở các địa phương, cơ sở, cùng với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình, có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tế; tiếp tục đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của kỳ họp, đáp ứng sự mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước và yêu cầu của các đại biểu Quốc hội.