Đây là một trong những chuyên đề Hội đồng Lý luận Trung ương khảo sát phục vụ Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII). Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, làm Trưởng đoàn khảo sát.
Tọa đàm tập trung vào việc thảo luận Một số vấn đề lý luận - thực tiễn mới về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Hệ quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), góp phần rất quan trọng để xây dựng Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong sạch vững mạnh.
Các tham luận của tỉnh Vĩnh Phúc chỉ rõ, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn có “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng “chợ chiều, cuối khóa”, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định nêu gương, còn bố trí người nhà, người thân tham gia đấu thầu và thực hiện các dự án do ngành mình làm chủ đầu tư, gây dư luận không tốt. Một số tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ, để xảy ra sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Trong việc tự phê bình, một số cán bộ, đảng viên chưa thẳng thắn nhận khuyết điểm, chưa nhận diện đầy đủ, sâu sắc những biểu hiện suy thoái và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao ...
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng nêu lên những hạn chế trong việc triển khai thực hiện, như còn một số biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất khó nhận diện, việc kiểm tra phát hiện, xử lý không dễ dàng; công tác tự phê bình và phê bình nhiều nơi còn hình thức, nhất là việc góp ý với người đứng đầu, với cấp trên. Cơ chế giao tỷ lệ giảm biên chế bình quân cho các tỉnh, thành phố (giảm 10%) là chưa phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của địa phương.
Trên cơ sở đó, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quyết liệt, chủ động thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" …
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn tiếp thu các ý kiến, tham luận của tỉnh Vĩnh Phúc và khẳng định, đây là căn cứ thực tiễn để Hội đồng lý luận Trung ương nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Chiều cùng ngày, Đoàn khảo sát của Hội đồng lý luận Trung ương tiếp tục làm việc với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về nội dung khảo sát: Một số vấn đề lý luận - thực tiễn cấp thiết về 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 31-10-2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Luật Đất đai (sửa đổi năm 2013) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để nước ta đến năm 2030 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Hệ quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.