Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị “Gặp gỡ Châu Âu 2018. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 600 đại biểu (trong đó có hơn 200 đại biểu châu Âu) bao gồm: lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các vị Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự các nước châu Âu, đại diện các cơ quan kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục, tổ chức phi chính phủ của châu Âu, đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.
Thúc đẩy hơn nữa hợp tác thực chất Hội nghị nhằm đánh giá hợp tác giữa châu Âu - Việt Nam, các triển vọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thực chất giữa hai bên, đặc biệt là sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng như giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu được ký kết trong thời gian tới sẽ là bước ngoặt quan trọng, tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Âu.
Bên cạnh đó, Hội nghị lần này cũng là kênh kết nối quan trọng để các địa phương Việt Nam trao đổi, thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác cấp độ địa phương Việt Nam với các đối tác châu Âu trên các lĩnh vực tiềm năng mà hai bên cùng quan tâm như: đầu tư, thương mại, năng lượng sạch, thành phố thông minh, nông nghiệp, thủy sản, cơ sở hạ tầng, hậu cần - logistics, sản xuất và chế tạo, y tế - dược và du lịch. Qua đó, góp phần tăng cường, nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước châu Âu và Liên minh châu Âu nói chung, giữa các địa phương Việt Nam với các đối tác châu Âu nói riêng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan hệ Việt Nam - châu Âu đang đứng trước những vận hội to lớn cần nắm bắt để có thể phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa, đặc biệt việc ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với những cam kết chất lượng cao cũng như khả năng ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do khác với châu Âu trong thời gian tới đang đưa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất khu vực cũng như toàn cầu.
Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương bám sát tinh thần của Chính phủ kiến tạo, quan tâm, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, cải cách hành chính ở tất cả các cấp, có cơ chế thu hút các nguồn lực, thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tác nước ngoài, trong đó có các đối tác châu Âu đến đầu tư tại Việt Nam.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam đang triển khai sâu rộng, hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược với 5 nước châu Âu là: Anh, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha; quan hệ Đối tác toàn diện với Đan Mạch; Đối tác Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu với Hà Lan; quan hệ hữu nghị truyền thống với nhiều nước khu vực Bắc Âu và Trung Đông như: Thụy Điển, Phần Lan, Ba Lan, Hungary, Romania, Séc, Slovakia, Bulgaria.
Với Khối Mậu dịch tự do châu Âu, quan hệ Việt Nam và 4 nước gồm: Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein đang có những bước phát triển mới. Trên cơ sở những tiến bộ tích cực, hợp tác cấp độ địa phương giữa Việt Nam và châu Âu cũng phát triển hết sức sôi động thu hút sự tham gia ngày càng đa dạng của nhiều đối tác.
Khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Liên
minh châu Âu trong ASEAN, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại
Việt Nam Bruno Angelet đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được
trong quá trình đổi mới và phát triển; hoan nghênh những nỗ lực của
Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh,
cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đại
sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet kỳ
vọng vào những bước cuối cùng hướng tới việc ký kết Hiệp định thương mại
tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu. Hiệp định không chỉ giúp nâng cao
quy mô, chất lượng của nền kinh tế Việt Nam mà còn đưa Việt Nam trở
thành cửa ngõ và trung tâm sản xuất đối với các công ty châu Âu khi đi
vào ASEAN.
Trên cương vị của mình, Đại sứ Bruno Angelet cam
kết sẽ thúc đẩy các cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam
và kêu gọi thêm các nhà đầu tư mới trong thời gian tới, sẵn sàng chia sẻ
kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát
triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kết nối, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác thiết thực Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Các đại biểu tham gia Hội nghị đều đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng năng động nhất khu vực và là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư châu Âu. Tham tán Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Mariam Garcia Ferrer và Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Beatrice Maser Mallor đã giới thiệu về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Khối Khối Mậu dịch tự do châu Âu, đánh giá những cơ hội và thách thức, nhất là với các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.
Đại diện những tập đoàn, công ty tiêu biểu của châu Âu tại Việt Nam đã chia sẻ về những kết quả đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua trong nhiều lĩnh vực như sản phẩm chất lượng cao, năng lượng sạch và thành phố thông minh, nông nghiệp, thủy sản, hạ tầng và hậu cần logistic, công nghiệp, đào tạo nghề, y tế, chăm sóc sức khỏe và hợp tác du lịch; đồng thời nêu những kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, chính quyền các địa phương Việt Nam.
Đại diện cho các địa phương Việt Nam, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giới thiệu về các địa phương Việt Nam nói chung và chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội nói riêng; đánh giá những cơ hội, lợi ích hợp tác với các đối tác châu Âu.
Đại diện các địa phương Việt Nam đều nhất trí đánh giá châu Âu là một trong những đối tác hợp tác ưu tiên hàng đầu nhằm góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương; khẳng định quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính trên địa bàn nhằm thu hút đầu tư, thương mại của châu Âu.
Các địa phương hoan nghênh, đánh giá cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao tổ chức cơ chế gặp gỡ định kỳ với các đối tác nước ngoài để tạo thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu hợp tác của địa phương với các đối tác quan trọng, trong đó có châu Âu.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các đối tác châu Âu để thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao kết quả trao đổi tại Hội nghị cũng như các kết nối bên lề giữa địa phương Việt Nam và các Cơ quan đại diện, doanh nghiệp, đối tác châu Âu.
Trong bối cảnh năm 2018 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và nhiều nước châu Âu, Hội nghị là một cơ hội tốt để các địa phương Việt Nam và đối tác châu Âu kết nối, gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm những cơ hội hợp tác thiết thực, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước châu Âu, cũng như với Liên minh châu Âu.
Hội nghị “Gặp gỡ châu Âu 2018” là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động “Gặp gỡ Đại sứ” do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Cơ quan đại diện nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tổ chức nhằm hỗ trợ các địa phương trong tiến trình hội nhập quốc tế, qua đó làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, tăng cường kết nối hợp tác hiệu quả, thiết thực với các đối tác quan trọng, trong đó có các nước châu Âu và Liên minh châu Âu.