Hội thảo có hơn 50 bài tham luận cùng nhiều ý kiến trực tiếp làm cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc hơn vị trí, vai trò, giá trị lịch sử và thời đại của Trường Đảng miền Nam. Những kết quả đạt được từ Hội thảo cung cấp thêm những quan điểm, nhận thức, nguồn tư liệu, cứ liệu mới góp phần khẳng định chắc chắn và sáng rõ cơ sở lý luận, thực tiễn khoa học, thuyết phục, khẳng định sự cần thiết khách quan xây dựng Khu Lưu niệm lịch sử Trường Đảng miền Nam tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Qua đó, khẳng định những giá trị, tầm vóc của ngôi trường Đảng chính quy đầu tiên của Trung ương ở Nam Bộ - một “địa chỉ đỏ”, nơi “về nguồn” ý nghĩa cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, học viên các trường chính trị cả nước nghiên cứu thực tế, tìm hiểu về lịch sử truyền thống Trường Đảng.
Tháng 9/1949, Trường Đảng miền Nam mang tên Trường Trường Chinh, là trường Đảng Trung ương đầu tiên ở Nam Bộ ra đời tại vùng căn cứ kháng chiến ấp Ngan Dừa, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (nay là xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang).
Theo ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang, sự ra đời của Trường Đảng miền Nam khẳng định tầm nhìn sáng suốt của Đảng về sứ mệnh, vai trò của công tác đào tạo cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng cả nước. Trải qua nhiều khó khăn của chiến tranh, Trường Đảng miền Nam ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt; từ "cái nôi" đầu tiên ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang ngày nay đã di chuyển qua nhiều địa điểm, với nhiều tên gọi khác nhau và không ngừng lớn mạnh, khẳng định vị trí, vai trò của đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Ngôi trường đã đào tạo hàng chục nghìn cán bộ cho Đảng và Nhà nước. Nhiều thế hệ cán bộ được đào tạo nâng cao trình độ, tiếp tục trở lại chiến trường, trực tiếp lãnh đạo, cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang chiến đấu, góp phần đưa cuộc kháng chiến ở Nam Bộ đi đến thắng lợi, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Phát huy những giá trị của Trường Đảng miền Nam, Hậu Giang tiếp tục củng cố, bồi đắp thêm lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; giáo dục truyền thống, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ cả nước nói chung, trong đó có tỉnh Hậu Giang nói riêng. Đây cũng là động lực để Hậu Giang tiếp tục phát huy giá trị lịch sử của Trường Đảng miền Nam trong giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; là điều kiện thuận lợi để tuyên truyền, quảng bá những giá trị lịch sử trên địa bàn, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, trải nghiệm.
Từ năm 1993 đến nay, trường đã đổi nhiều tên khác nhau như: Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh (năm 1993), Học viện Chính trị khu vực II (năm 2005), Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II (năm 2008), Học viện Chính trị khu vực II (từ năm 2014 đến nay). Cùng với quá trình hình thành và phát triển của Trường Đảng miền Nam (sau này là Học viện Chính trị khu vực II), các trường Đảng cấp tỉnh, Học viện Chính trị khu vực IV được thành lập.
Từ khóa đầu tiên năm 1949 với chỉ 141 học viên, đến nay, Trường Đảng miền Nam (sau này là Học viện Chính trị khu vực II) đã đào tạo, bồi dưỡng khoảng 170.000 cán bộ giữ các cấp bậc, chức vụ khác nhau từ Trung ương đến cơ sở.