Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII phải toàn diện, cụ thể, chi tiết, bám sát các mục tiêu, tiêu chí đã đề ra; đồng thời, có danh mục dự án, quy mô, nguồn lực, cơ chế thực hiện cụ thể; trước mắt, đến năm 2025, bảo đảm không để thiếu điện.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát danh mục các dự án nguồn điện, tính toán khả năng rủi ro để có phương án thay thế những dự án nguồn quan trọng, cấp bách, chưa thể triển khai. Cùng với việc đánh giá nguồn vốn đầu tư công và khu vực tư nhân, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giải pháp cơ chế, chính sách cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án nguồn điện.
“Phải có phương án phát triển hạ tầng truyền tải đồng bộ với các dự án nguồn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương công khai tiêu chí xác định danh mục các dự án nguồn điện theo tư duy mở, “chuyển từ nâu sang xanh” của Quy hoạch điện VIII, trên cơ sở bảo đảm an toàn, kỹ thuật, hạ tầng và hiệu quả kinh tế, “không xin-cho”. Bộ Công Thương làm rõ tính khả thi, hợp pháp của các dự án; ưu tiên phát triển thủy điện nhỏ, bền vững với môi trường; phát triển không giới hạn đối với điện mặt trời áp mái, phát triển lưới điện truyền tải thông minh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phát triển công nghệ để sản xuất, xuất khẩu điện, nhiên liệu năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh…). Những dự án thuộc Quy hoạch Điện VII vẫn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Quy hoạch Điện VIII phải đưa vào danh mục.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, so với các quy hoạch khác, Quy hoạch điện VIII đã thay đổi cách tiếp cận so với các quy hoạch trước đó là không quy hoạch dự án mà xác định tổng nguồn, cơ cấu các vùng miền và nguồn điện, cân đối giữa nguồn và truyền tải. Một trong những mục tiêu quan trọng của dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII là khắc phục tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa các vùng miền, cơ cấu giữa các nguồn điện, giữa nguồn và truyền tải.
Từ giữa tháng 5/2023, Bộ Công Thương đã bắt tay vào xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện, làm việc với các bộ, ngành liên quan và lấy thông số, ý kiến đóng góp từ các địa phương. “Qua 2 lần đôn đốc, 52/63 tỉnh, thành phố đã có ý kiến vào dự thảo Kế hoạch thực hiện”, Bộ trưởng nêu.
Tại cuộc họp, lãnh đạo một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh… đề nghị “nới room” đối với các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời áp mái, điện áp mái, điện sinh khối) để đáp ứng nhu cầu rất lớn của doanh nghiệp khu công nghiệp cũng như các dự án được doanh nghiệp đăng ký đầu tư trên địa bàn.
Một số ý kiến quan tâm đến định hướng phát triển cũng như quy trình, thủ tục điện gió ngoài khơi; mong muốn được bổ sung, đầu tư hạ tầng truyền tải để đáp ứng nhu cầu phụ tải công nghiệp sẽ tăng nhanh trên địa bàn tỉnh…
Lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam… thảo luận về một số nội dung liên quan đến xác định danh mục dự án nguồn năng lượng tái tạo cũng như nguồn điện mặt trời tập trung; thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi; thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài; bố trí đất, mặt biển để triển khai các dự án nguồn điện và hạ tầng truyền tải…