Suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đã không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân địa phương trong đó có nhiều đồng bào Công giáo cùng đoàn kết, góp sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc trước kia cũng như phát triển kinh tế, dựng xây quê hương ngày nay.
Trong suốt chặng đường vẻ vang đó, luôn có sự đóng góp to lớn của những đảng viên người Công giáo.
Truyền thống 70 năm tự hào Ông Nguyễn Trọng Tuệ, Bí thư huyện ủy Bình Giang phát biểu tại Lễ kỷ niệm. |
Chi bộ Đảng cộng sản xã Tráng Liệt - tiền thân của Đảng bộ xã Tráng Liệt và thị trấn Kẻ Sặt ngày nay, ra đời ngày 10/10/1947 với 3 đảng viên. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng địa phương. Từ đây, Chi bộ Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành nhiều thắng lợi trong các cuộc kháng chiến.
Ông Bùi Văn Quý - Bí thư Đảng ủy thị trấn Kẻ Sặt cho biết, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với quân và dân Tráng Liệt, Kẻ Sặt đã tổ chức đánh địch 47 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 250 tên, bắt sống 15 tên, thu được 126 khẩu súng các loại..., ủng hộ kháng chiến 21 tấn thóc, hơn 2kg vàng, góp phần làm nên “tiếng sấm đường 5” và Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Thực dân Pháp rút quân, Kẻ Sặt lại đối mặt với vô vàn khó khăn và đặc biệt là sự chống phá Đảng của bọn phản cách mạng. Chúng tung luận điệu “Chúa đã vào Nam”, “Mỹ sẽ ném bom nguyên tử miền Bắc”… để cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam. Trước tình hình đó, Chi bộ Đảng thị trấn Kẻ Sặt đã nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng, tập trung lãnh đạo nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, đặc biệt là tăng cường lãnh đạo về mặt tư tưởng để nhân dân yên tâm sản xuất, xây dựng quê hương, chống cưỡng ép di cư vào Nam.
Sau khi Tráng Liệt và Kẻ Sặt được tách thành hai đơn vị hành chính riêng vào năm 1958, Chi bộ thị trấn được tách khỏi Chi bộ xã Tráng Liệt, trở thành Chi bộ Đảng độc lập. Từ đó, Chi bộ Đảng Kẻ Sặt đã tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất, vừa làm tốt vai trò hậu phương lớn cho miền Nam chống Mỹ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Kẻ Sặt có 15 gia đình được Chính phủ tặng Bảng vàng danh dự, có 146 gia đình được tặng bằng Gia đình vẻ vang, có 10 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến công… và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Nhiều đảng viên Công giáo gương mẫu Ông Nguyễn Trọng Tuệ, Bí thư huyện ủy Bình Giang trao bức trướng cho Đảng bộ Thị trấn Kẻ Sặt. |
Từ một Chi bộ chỉ có 3 đảng viên thời kỳ đầu thành lập, Đảng bộ thị trấn Kẻ Sặt không ngừng lớn mạnh, đến nay đã có 250 đảng viên, sinh hoạt tại 11 Chi bộ. Theo ông Lê Thọ Dương - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Kẻ Sặt, những đảng viên là người Công giáo luôn phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, đóng góp tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Rất nhiều tấm gương đảng viên người Công giáo, dù ở vị trí nào cũng là những điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Tiêu biểu như bà Phạm Thị Tự - Bí thư Chi bộ khu dân cư số 4, năm nay đã 63 tuổi nhưng rất hăng hái và trách nhiệm với công tác xã hội. Tận tâm, hết sức vì công việc chung, 10 năm qua bà Tự luôn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ khu dân cư số 4 có 33 đảng viên, nhiều năm nay luôn là chi bộ trong sạch, vững mạnh. Được nhân dân quý mến, nể phục, hai năm gần đây, bà Tự còn đảm nhiệm thêm chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn. Năm 2014, bà Tự đã kêu gọi xã hội hóa, huy động gần 1 tỷ đồng xây mới nhà văn hóa khu 4.
Cũng ở khu 4, nhiều người biết đến ông Nguyễn Văn Hùng là một đảng viên tiêu biểu. Hơn 30 năm tuổi Đảng, ông Hùng không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là tích cực với công tác chung ở địa phương. Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gỗ của gia đình ông Hùng thành lập từ năm 2004, hiện nay tạo việc làm cho 10 lao động địa phương và vùng lân cận với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Là Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kẻ Sặt, ông cùng với Ban chủ nhiệm đã đồng hành, hỗ trợ các thành viên trong sản xuất và nâng cao thu nhập.
Ở khu dân cư, những đảng viên như bà Tự, ông Hùng... đều luôn đi đầu trong các phong trào chung, là những nhân tố tích cực, phát huy mối đoàn kết cộng đồng.
Thị trấn Kẻ Sặt hiện có khoảng 40% dân số là đồng bào Công giáo. Công tác tôn giáo luôn được Đảng bộ thị trấn quan tâm, bà con được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Đồng bào Công giáo luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống “tốt đời đẹp đạo, kính Chúa yêu nước", tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.
Vốn là một vùng đất có lịch sử lâu đời, là trung tâm giao thương, đầu mối kinh tế của cả huyện, Kẻ Sặt đã và đang đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Kẻ Sặt hiện là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất so với các đơn vị khác trong toàn huyện, trong đó năm 2016 đạt 36 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thị trấn đạt 12%. Cơ cấu kinh tế thương mại dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp - nông ngư nghiệp đạt 64% -31,2% - 4,8%.
Tự hào về những trang sử vẻ vang 70 năm xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ thị trấn Kẻ Sặt quyết tâm phát huy tiềm năng, vượt qua thách thức, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.