Khai mạc Phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Sáng 12/9, Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII (UBTVQH) đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Dự kiến, Phiên họp sẽ diễn ra trong khoảng gần 10 ngày (chia làm các đợt: từ ngày 12-14/9; từ ngày 17-19/9 và từ ngày 24-26/9). Đây là phiên họp với nhiều nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào cuối năm 2012.

Xem xét, cho ý kiến về nhiều dự án luật

 

Theo chương trình, tại phiên họp này, về công tác xây dựng pháp luật, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về nhiều dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Hộ tịch; Luật Việc làm; Luật Thủ đô; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và đặc biệt Luật Đất đai (sửa đổi)...


 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tại phiên họp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội diễn ra vào cuối năm nay. Phiên họp được tiến hành nhằm tìm những giải pháp góp phần tháo gỡ những vấn đề khó khăn, tồn tại ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước song song với nhiệm vụ thực hiện kiểm điểm, tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng.


Chủ tịch Quốc hội cho biết, các dự án luật được bàn thảo tại phiên họp lần này đều có tầm quan trọng đặc biệt, được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, nhất là dự thảo Luật Đất đai. Cùng với đó, UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến đối với Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và báo cáo về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Một nội dung quan trọng khác sẽ được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp này là Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là bước chuẩn bị để trình Quốc hội xem xét, quyết định quy trình này tại kỳ họp cuối năm nay. Cũng trong khuôn khổ phiên họp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2013, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 và các báo cáo về công tác tư pháp.


Ngay trong sáng 12/9, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã tập trung thảo luận các nhóm vấn đề như: Nội dung quy định cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư; người được miễn đào tạo nghề luật sư; tập sự hành nghề luật sư; kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; quyền, nghĩa vụ của luật sư...


Đối với quy định cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư, một số ý kiến tại buổi làm việc cho rằng quy định này sẽ sử dụng được lực lượng giảng viên có kiến thức chuyên sâu về luật. Việc tham gia hành nghề luật sư mặt khác cũng tạo điều kiện để các giảng viên được tiếp cận với các vụ việc cụ thể, bổ sung thêm trong bài giảng để từ đó nâng cao chất lượng bài giảng dạy pháp luật trong nhà trường. Quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với luật viên chức hiện hành. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề xuất tại buổi làm việc không nên ban hành quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được “kiêm nhiệm” hành nghề luật sư để đảm bảo cán bộ giảng dạy chuyên tâm vào công tác giảng dạy.


Cũng trong sáng 12/9, UBTVQH đã cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2013.

 

Nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế


Chiều 12/9, UBTVQH đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.


Các thành viên UBTVQH nhất trí với việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay để góp phần chia sẻ khó khăn với người nộp thuế. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc xác định mức giảm trừ gia cảnh, đối tượng được giảm trừ gia cảnh, phương thức xác định mức giảm trừ gia cảnh.


Theo Tờ trình của Chính phủ, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng (không giới hạn số người phụ thuộc). Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế - xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người nộp thuế. Để thực hiện việc giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, đảm bảo tính ổn định của chính sách cho giai đoạn sau năm 2014, đồng thời để có sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước đối với người nộp thuế trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thì việc nghiên cứu điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh là cần thiết.


Theo đó, Chính phủ trình UBTVQH cho phép điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.


Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị hạ mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc xuống thấp hơn mức quy định trong Dự thảo Luật từ 9 triệu xuống còn 7 triệu và từ 3,6 triệu xuống còn 2,8 triệu. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng sẽ làm sai lệch bản chất của thuế thu nhập cá nhân, đưa thuế thu nhập cá nhân trở thành thuế thu nhập cao thông qua việc thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế, chưa kể sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Theo tính toán, nếu áp dụng mức đề xuất chịu thuế của Chính phủ từ 1/7/2013 (thời điểm dự kiến luật có hiệu lực thi hành) thì thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng.


Trái với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng, cần phải tính đến bản chất của thuế thu nhập. "Không thể đặt ra vấn đề cứ có thu nhập là phải chịu thuế mà phải xem thu nhập đến mức nào thì phải chịu thuế. Chưa kể, người lao động có thu nhập phải đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của họ ở một mức ngày càng tốt hơn. Nếu Chính phủ thấy có thể nâng mức chịu thuế đến 9 triệu mà không ảnh hưởng đến các vấn đề khác thì hoan nghênh chứ không nên chỉ lo tính mỗi năm ngân sách mất đi bao nhiêu tiền vì không thu thuế" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.


Tán thành với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phân tích, thu nhập thực tế của người dân hoàn toàn giảm sút, lương có tăng lên thì với đà lạm phát hiện nay hoàn toàn không bù đắp được. Hơn nữa, hiện nay nước ta cũng chưa công bố được mức sống tối thiểu, mức tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu đến đâu thì chưa thể có căn cứ để quy định thuế thu nhập cá nhân ở mức bao nhiêu là hợp lý. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cùng thể hiện sự đồng tình với đề xuất của Chính phủ và cho rằng điều quan trọng là việc đóng thuế có đúng không, sử dụng thế nào cho hiệu quả, không gây lãng phí, không tham nhũng.


Quang Vũ - Phúc Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN