Các thành viên Ủy ban Tư pháp đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, tòa án, viện kiểm sát trong thực hiện nhiệm vụ trong năm 2018. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trong đó có lực lượng công an làm nòng cốt triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, đã giải quyết được những điểm nóng về an ninh trật tự. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế “nổi cộm” đã được đưa ra xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm.
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Đà Nẵng) đánh giá báo cáo của các cơ quan tư pháp đã được chuẩn bị tốt, thể hiện được tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, chỉ rõ nhóm tội phạm liên quan tới chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, chiếm hơn 50%. Đặc biệt đã nêu ra một số thủ đoạn mới của tội phạm...
Trước tình trạng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xử lý, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị cần có hiệp định tương trợ tư pháp với các nước để xử lý tội phạm kịp thời, hiệu quả hơn.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018 do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha trình bày đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn một số hạn chế. Tội phạm và vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng, gian lận thương mại, hàng giả, thuốc chữa bệnh, khai thác tài nguyên khoáng sản… vẫn diễn biến phức tạp.
Đây là vấn đề kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo nhóm lợi ích gây ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý nhà nước tại địa phương, sự lành mạnh trong môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, tình trạng mua bán, chuyển nhượng tài sản công, nhất là đất đai với giá rẻ cho tư nhân không thông qua bán đấu giá, không đúng thẩm quyền xảy ra tại một số địa phương. Tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018, một số đối tượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm sai lệch kết quả thi tại tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gây bất bình trong xã hội…
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng đặt mối quan tâm tới tình trạng nhập khẩu phế liệu về cảng biển nhưng vô chủ. Đại biểu dẫn theo báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy tồn tại ở cảng rất nhiều container phế liệu những không xác định được chủ; đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để có biện pháp xử lý hành vi này, tránh biến các cảng biển thành bãi rác.
Cùng lo lắng này, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) dẫn con số hơn 27.900 container tồn đọng tại các cảng và đề nghị cơ quan chức năng cần quan tâm, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật đánh giá nhìn chung các số liệu, đánh giá trong báo cáo của ngành tòa án được nêu khá cụ thể; phản ánh những kết quả, chỉ tiêu đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, những mặt còn hạn chế và đề ra các giải pháp, kiến nghị cụ thể. Tuy nhiên, báo cáo chưa đánh giá sâu về những nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, công tác xét xử các vụ án hành chính, cũng như tình hình ban hành quyết định buộc thi hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực thi hành…
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của tòa án theo các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, các ý kiến đề nghị tòa án cần có giải pháp, rà soát, tổng kết thực tiễn công tác xét xử, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng các luật về tư pháp bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong thực tiễn…
Sáng mai, Ủy ban Tư pháp tiếp tục cho ý kiến về nội dung này.