Cơ cấu thu chưa vững chắc
Báo cáo thẩm tra nêu rõ: Năm 2021 nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19. Đảng, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó có các chính sách tài chính nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng, đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết thể hiện quyết tâm tập trung nguồn lực ngân sách Nhà nước cho phòng, chống dịch; nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, chi hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đời sống nhân dân.
Về thu ngân sách Nhà nước năm 2021, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước ước vượt dự toán. Tuy nhiên, nhiều khoản thu quan trọng không đạt hoặc vượt thấp so với dự toán; nếu loại trừ các khoản tăng thu từ đất, tài nguyên thì số thu nội địa không đạt dự toán; cơ cấu thu chưa vững chắc.
Trong khi đó, thu ngân sách Trung ương hụt khá lớn, khoảng 28-29 nghìn tỷ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiệm vụ của ngân sách Trung ương. Đặc biệt, thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp trung ương đạt 2,5% dự toán. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục trong các năm tiếp theo.
Đối với chi ngân sách Nhà nước năm 2021, tính từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, về chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, tổng số kinh phí đã cấp là 30,85 nghìn tỷ đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành các Nghị quyết nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí cho phòng, chống dịch. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, cần tập trung đánh giá toàn diện hiệu quả chính sách đã thực hiện, chỉ rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; tác động thực tế, tính lan tỏa của các chính sách.
Đối với việc mua, tiếp nhận và nhu cầu vaccine, Chính phủ cần báo cáo cụ thể về số vaccine được hỗ trợ, viện trợ; dự kiến nhu cầu trong trường hợp dịch kéo dài; công khai việc sử dụng Quỹ vaccine; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, đi đôi với bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng kịp thời với các biến chủng COVID mới xuất hiện.
Về chi mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị làm rõ tổng nguồn lực đã bố trí chi mua sắm; kết quả việc sử dụng ngân sách Nhà nước trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch và khả năng đáp ứng tình hình hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường lưu ý, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15 với những điểm đổi mới nổi bật, chưa có tiền lệ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo khuôn khổ pháp lý, cơ chế thông thoáng, thuận lợi, giúp Chính phủ chủ động, kịp thời thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Theo quy định tại Nghị quyết, Chính phủ thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Vì vậy, mặc dù thời gian thực hiện chưa dài, song để có căn cứ tiếp tục triển khai, điều chỉnh kịp thời việc tổ chức thực hiện theo hướng bảo đảm tính hợp lý, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện theo quy định.
Rà soát quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách còn chậm
Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ; chưa tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành, còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công. Việc vi phạm quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước, khai thác khoáng sản, chặt phá rừng trái phép, cháy rừng còn xảy ra ở một số nơi. Việc xử lý các dự án yếu kém còn nhiều vướng mắc.
Việc thực hiện rà soát các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách vẫn còn chậm (theo Báo cáo số 44/BC-CP của Chính phủ, đến nay mới giải thể, dừng hoạt động 4 quỹ), chưa mang tính tổng thể, số lượng quỹ còn khá lớn; một số quỹ hoạt động chưa hiệu quả, một số quỹ gần như không có hoạt động,... Việc duy trì nhiều Quỹ trùng lặp về nguồn thu, nhiệm vụ chi với ngân sách Nhà nước là chưa bảo đảm quy định của Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị tăng cường quản lý, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch đồng thời rà soát các Quỹ có số dư lớn nhưng nhiệm vụ chi chưa cần thiết, cấp bách, đã hết nhiệm vụ chi để điều chuyển về ngân sách Nhà nước nhằm tăng cường nguồn lực cho kích thích, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Đối với vấn đề chi thường xuyên, ước cả năm vượt dự toán 2,2%, chủ yếu phát sinh các khoản chi cho phòng, chống dịch. Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, song Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị rút kinh nghiệm do vẫn còn tình trạng phân bổ chậm, phân bổ không đúng đối tượng ở một số bộ, ngành trung ương, đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia dẫn đến phải điều chỉnh, cắt, giảm dự toán như thời gian vừa qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phú Cường chỉ rõ, việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2021 còn một số hạn chế như giải ngân từ đầu năm đến nay đạt thấp so với kế hoạch giao và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020; bố trí vốn đầu tư công trong một số trường hợp chưa đúng quy định; còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và tiếp tục phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2020...
Ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch
Về dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2022, để bảo đảm cân đối ngân sách vững chắc, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, dự toán thu ngân sách Nhà nước xây dựng theo dự kiến mức tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, lạm phát khoảng 4% song dự kiến tốc độ tăng thu chỉ tăng 3,4% là chưa thực sự phù hợp. Ngoài ra, việc dự kiến tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước khoảng 15,1% GDP thấp hơn so với mức bình quân theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội (không thấp hơn 16%GDP).
Bên cạnh đó, dự toán thu nội địa tăng 3,8%, nhưng để phấn đấu đưa số thu nội địa bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 85-86% tổng thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 thì còn khoảng cách khá lớn. Cơ cấu thu nội địa còn có các khoản thu chứa đựng nhiều rủi ro như: thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước. Dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2022 chỉ bằng 96% so với thực hiện năm 2021 là chưa hợp lý.
Về thu từ dầu thô, trong điều kiện giá dầu thế giới tăng cao thì việc dự kiến sản lượng khai thác giảm so với ước thực hiện năm 2021 là chưa phù hợp. Ngoài ra, trong dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2022 cần tính đến số giảm thu do có thể tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí trong trường hợp dịch bệnh còn ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh.
Về dự toán chi ngân sách Nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản thống nhất với phương án Chính phủ trình, đồng thời lưu ý nguyên tắc chi cần thực hiện đúng Hiến pháp, Luật Ngân sách Nhà nước, các định mức chi đầu tư, chi thường xuyên; ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch; bố trí hợp lý, hiệu quả dự phòng ngân sách, dự trữ quốc gia; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, công khai, đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí; thực hiện chế độ báo cáo theo luật định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Về cơ cấu chi, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, tỷ trọng chi ngân sách Trung ương trong tổng chi ngân sách Nhà nước chỉ chiếm xấp xỉ 47% là chưa đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp.
Dự toán chi thường xuyên chiếm 62,2% tổng chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị bố trí đủ cho các chính sách đối với người có công, người về hưu trước năm 1995, người gặp khó khăn... Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý; cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết.
Chính phủ chỉ đạo cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục ưu tiên bố trí đủ chi trả nợ lãi theo đúng cam kết, bảo đảm hệ số tín nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế; cơ cấu lại hiệu quả hơn các khoản vay cả về kỳ hạn và lãi suất để giảm áp lực trả nợ gốc, góp phần giảm chi trả nợ lãi, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, với tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 tới phát triển thì mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh GDP quý III giảm mạnh. Vì vậy, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết. Do đó cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội; nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nghiên cứu, lựa chọn đối tượng phù hợp, cần thiết để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cân nhắc giảm mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo và đào tạo lại lao động…