Ngày 1/11, Quốc hội đã thảo luận, đánh giá Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; các Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2012.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trường Dân (Quảng Nam). |
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII: Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tội phạm
Ngày 1/11, Quốc hội đã thảo luận, đánh giá Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; các Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2012.
Đại biểu Quốc hội Lưu Thị Huyền (Ninh Bình). |
Đồng tình với báo cáo của các cơ quan tư pháp Trung ương, hầu hết các ý kiến đều ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan tư pháp trong phòng chống tội phạm (PCTP), nhất là việc điều tra, khám phá những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, vụ lừa đảo mua bán qua mạng quy mô toàn quốc với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm năm 2012 như: Gia tăng cả về số vụ và tính chất, mức độ, hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây hoang mang trong cử tri và nhân dân cả nước. Bên cạnh đó, còn nhiều biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức xã hội, trật tự xã hội bị xáo trộn, ý thức tôn trọng và chấp hành luật pháp bị xem nhẹ thể hiện qua những vụ án nghiêm trọng do người chưa thành niên thực hiện trong nhiều gia đình, nhiều địa bàn dân cư.
Đẩy mạnh công tác xã hội
Ghi nhận trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) băn khoăn: Trên phạm vi toàn quốc, số vụ tham nhũng phát hiện còn ít; đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa; tội phạm không chỉ xảy ra ở ngoài xã hội mà xảy ra ngay chính ở trong gia đình, nhiều vụ mang tính côn đồ, dã man.
Quan tâm đặc biệt đến các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) dẫn chứng các số liệu thống kê: Trên 90% cơ sở sản xuất kinh doanh khai thác chế biến khoáng sản được kiểm tra, thanh tra có vi phạm pháp luật và bảo vệ môi trường; 40% số mẫu có chứa vi sinh vật liên quan đến đường ruột vượt cao hơn mức cho phép đối với rau ăn sống. Đại biểu Tiến bức xúc: Nếu chúng ta không quan tâm thường xuyên sẽ dẫn tới hậu quả khó lường, thậm chí ảnh hưởng đến trí tuệ của cộng đồng và cả dân tộc.
Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh). |
Đề cập một số giải pháp làm giảm tội phạm vị thành niên, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát đánh giá thực trạng phạm tội ở lứa tuổi thanh, thiếu niên trong năm 2012; đánh giá lại hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; công tác giáo dục đạo đức lối sống trong thanh niên, sinh viên, học sinh. Đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị nên đưa môn pháp luật vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; đồng thời định hướng trong đổi mới việc dạy và học các môn khoa học, xã hội nói chung nhằm từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh. Đại biểu Nguyễn Thái Học kiến nghị Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các địa phương trong công tác đấu tranh PCTP.
Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đề xuất cần tăng cường giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên, đảm bảo an sinh xã hội, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân vào công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật. Đại biểu Huyền cũng đề nghị nhân rộng các mô hình đấu tranh có hiệu quả với tội phạm như lực lượng 141 ở Công an Hà Nội trên địa bàn cả nước.
Trước nhiều ý kiến cho rằng chất lượng xét xử thời gian qua chưa thực sự đạt yêu cầu, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, theo số lượng thống kê 3 năm gần nhất, mỗi năm, chất lượng xét xử tốt hơn năm trước, ngày càng ít các trường hợp oan sai, vi phạm trình tự tố tụng. Chánh án Trương Hòa Bình cũng thẳng thắn thừa nhận: Một bộ phận thẩm phán, thư ký tòa án trình độ năng lực còn hạn chế, một số trường hợp khác vi phạm pháp luật, thậm chí bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Chánh án TANDTC cũng khẳng định, đa số đội ngũ cán bộ công chức ngành Tòa án có đạo đức trong sáng, chất lượng xét xử ngày càng tiến bộ hơn. Chánh án cũng đề nghị một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, trong đó có việc nâng mức hỗ trợ, đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án.
Chú trọng chống tham nhũng lĩnh vực ngân hàng
Góp ý nâng cao hiệu quả công tác PCTN, các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều biện pháp tổng thể về hoàn thiện thể chế, công tác cán bộ và phát huy chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành trong nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý triệt để các hành vi tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng.
Đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) phân tích: Tội phạm kinh tế và tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng đang là nỗi bức xúc trong nhân dân. Tội phạm trong lĩnh vực này thường xuất hiện kéo dài, có sự móc ngoặc, lợi ích nhóm, hình thành do sự lỏng lẻo trong quản lý nhà nước. Đại biểu đề xuất, ngoài việc sửa đổi Luật PCTN, cần củng cố đạo đức công chức, xây dựng niềm tin, huy động người dân tham gia PCTN và phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp giữa Chính phủ với MTTQ Việt Nam trong giám sát cán bộ công chức. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) thẳng thắn: "Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng đen diễn biến rất phức tạp, những vụ việc mới phát hiện chỉ là phần nổi". Theo đại biểu, tham nhũng trong lĩnh vực này liên quan chặt chẽ đến nợ xấu thông qua các hành vi: Cho vay không tài sản thế chấp, thổi giá để thế chấp, không tính đến hiệu quả các dự án kinh doanh.
Cũng trong buổi thảo luận chiều qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTP nhấn mạnh đến những mô hình tốt trong PCTP, PCTN trong thời gian qua; đồng thời thẳng thắn thừa nhận, tình hình tội phạm vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm ma túy, tội phạm người nước ngoài, tội phạm giết người và tội phạm tham nhũng. Phó Thủ tướng đề nghị mọi cấp, mọi ngành quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác xã hội, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nhất là các vùng cao, vùng sâu, vùng xa góp phần làm giảm nguy cơ tội phạm. Phó Thủ tướng nêu rõ: Ở đâu có tội phạm, cấp ủy, chính quyền, công an địa phương đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
Chia sẻ với quan điểm công tác PCTN hiện vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, các cấp ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về PCTN, nhất là các quy định về KTXH, xóa bỏ những kẽ hở trong các lĩnh vực nhạy cảm như: Xây dựng cơ bản, ngân sách, ngân hàng, tổ chức cán bộ đi đôi với cải thiện chính sách cho người làm công ăn lương, đáp ứng một bước cuộc sống của người dân. Phó Thủ tướng khẳng định, cơ quan chức năng sẽ quyết liệt điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được phát hiện đảm bảo nhanh chóng hơn, kịp thời hơn.
Phó Thủ tướng cũng kêu gọi sự tăng cường giám sát của nhân dân, của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong PCTN. "Thủ trưởng cơ quan các cấp phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tham nhũng", Phó Thủ tướng nói.
Quang Vũ