Đơn giản hóa thủ tục và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạchNhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi bổ sung một số điều của 13 Luật liên quan đến Luật Quy hoạch: Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Các đại biểu đánh giá về cơ bản các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch của các luật nêu trên đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch.
Quang cảnh họp tổ của đoàn đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc, Hà Nam, Quảng Bình và thành phố Cần Thơ. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thực phẩm, các ý kiến cho rằng 7 năm qua không lập quy hoạch tổng thể về an toàn thực phẩm. Do đó, để tránh cách hiểu khác nhau và để thống nhất với Luật Quy hoạch, cần thiết phải sửa đổi, bỏ "quy hoạch tổng thể về an toàn thực phẩm" trong Luật An toàn thực phẩm. Chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục được thực hiện theo quy định của luật hiện hành. Liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các đại biểu kiến nghị do không còn quy định về quy hoạch phát triển công nghiệp dược nên cần bổ sung quy định về các yêu cầu để làm cơ sở, căn cứ lập quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm của Nhà nước.
Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, một số đại biểu cho rằng: Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị quy định hình thức điều chỉnh cục bộ với thủ tục rút gọn, đơn giản, tuy nhiên trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh cục bộ lại không được quy định cụ thể, chỉ quy định chung chung là "không ảnh hưởng lớn" có thể dẫn tới việc điều chỉnh tùy tiện, quy hoạch thiếu sự ổn định. Đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị rà soát nhanh để giải quyết căn cơ bài toán quy hoach treo, quy hoạch chờ quá lâu ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Quy hoạch ảnh hưởng đến đời sống của người dân phải cân nhắc thiệt hại chứ không chỉ tính đơn thuần giá trị hiện hữu, bởi giá trị hiện hữu không phản ánh giá trị thực của tài sản đất đai, nhà của người dân. Nếu quy hoạch thực hiện tốt, giá trị thực tài sản đất đai sẽ khác, các cơ hội đầu tư làm ăn cũng khác, người dân sẽ thực hiện đầy đủ quyền sở hữu của tài sản đó.
Luật Quy hoạch quy định về nguyên tắc công khai trong hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, khi chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết phải xin cấp giấy phép quy hoạch hoặc khi cần thông tin về quy hoạch phải xin chứng chỉ quy hoạch, trong khi việc lập quy hoạch là trách nhiệm của cơ quan nhà nước và thông tin quy hoạch cần phải được công khai cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, đối với việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này hiện tại pháp luật cũng đã có các quy định cụ thể. Do đó, cần sửa đổi nội dung này tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị cho phù hợp với nguyên tắc của Luật Quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) kiến nghị dự án Luật chỉ nên sửa đổi, bổ sung những điều mang tính kỹ thuật, để bảo đảm đồng bộ. Đồng thời, đây là dự án Luật được thông qua tại một kỳ họp, nên Quốc hội cần thận trọng trong việc xem xét, nhất là trong trường hợp vừa qua có một số Luật được ban hành nhưng không có chất lượng.
Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động trồng trọtCho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt, các đại biểu thống nhất với tên gọi của Luật vì bao quát được các nội dung quy định trong Luật, vừa thể hiện định hướng phát triển ngành trồng trọt theo chuỗi khép kín, từ khâu giống, phân bón, canh tác đến thu hoạch, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm trồng trọt.
Đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát một số nội dung trong dự án Luật chưa thực sự phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Hải quan, Luật Dự trữ Quốc gia…; quy định rõ hơn về lộ trình xây dựng, ban hành đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để kiểm soát được chất lượng giống, chất lượng phân bón; việc bảo tồn, khai thác, sử dụng vật liệu nhân giống cây trồng, đặc biệt là nguồn gen quý hiếm, bản địa đem lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trồng trọt.
Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần cụ thể hóa tối đa các điều, khoản còn quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; rà soát, chỉnh sửa một số quy định trong dự án Luật cho phù hợp với thực tế để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật và khả thi khi Luật được ban hành.
Nhận định dự án Luật chưa cân đối về nội hàm, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng: Người làm trồng trọt có câu: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" nhưng trong dự án Luật, hợp phần "phân" và "giống" lại đóng vai trò chủ lực, còn phần "nước", "đất", "canh tác" lại quá ít. Luật có 7 chương, 82 điều, trong đó, quy định về "giống" và "phân bón" có tới 55 điều, chiếm tới 67%, còn nội dung "kỹ thuật canh tác" chỉ có 9 điều và một số điều khác liên quan đến chế biến, thu hoạch. Ban soạn thảo nên xem xét, bổ sung khía cạnh về điều kiện, kỹ thuật canh tác, đất đai, nước; đặc biệt, hiện nay, vấn đề áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề lớn cần bổ sung trong dự án Luật.
Quan tâm đến giống cây trồng, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, điều cần quan tâm nhất hiện nay là vấn đề "giống". Ở Thái Lan chỉ có một vài giống lúa đi xuất khẩu có giá trị rất lớn nhưng Việt Nam có quá nhiều giống. Vì thế việc quản lý giống phải đi vào nền nếp. Bên cạnh đó, quy trình khảo nghiệm và công nhận giống cũng phải làm chặt chẽ. Ngoài ra, các nội dung liên quan đến thủy lợi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến... cũng cần quan tâm đưa vào dự án Luật.
Cùng ý kiến, đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan nêu rõ: Hiện nay, việc quản lý giống chưa tốt nên nông dân chủ yếu tự chủ trong việc quyết định trồng cây gì, nuôi con gì. Có những giống trồng 3-4 năm sau mới cho thu hoạch nhưng sau đó, người trồng không thể ăn cũng chẳng thể bán. Dự án Luật cần quy định rõ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp giống chính thức, tránh tình trạng sản phẩm trồng ra nhưng không mang lại lợi ích. Nông dân trồng nhiều nhưng sau phải bỏ đi rất đau xót, Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa.
Đồng thời, các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung liên quan việc quản lý nhà nước đối với phân bón, trồng trọt, canh tác...