Thực trạng quản lý đất dôi dư còn kém hiệu quả
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân nhiều nơi cho rằng, lãng phí là vấn nạn quốc gia. Điều đó nói lên rằng thực trạng lãng phí còn rất nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến khai thác tiềm lực để phát triển đất nước. Đại biểu đánh giá, việc Quốc hội lựa chọn lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để giám sát tối cao là đúng và trúng. Đoàn giám sát đã làm việc khoa học, khách quan, cụ thể và có kết quả rất thuyết phục, làm rõ thực trạng việc thực hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian vừa qua.
Bày tỏ sự đồng tình cao với Báo cáo của Đoàn giám sát, đại biểu nêu ý kiến về vấn đề quản lý đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp hay do di chuyển về địa điểm mới thời gian vừa qua còn kém hiệu quả.
“Nhiều cơ sở bị hoang hóa, xuống cấp, lãng phí, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Cử tri nhiều lần có ý kiến để xử lý vấn đề này nhưng thời gian vừa qua chưa có hiệu quả, nhất là tài sản của các cơ quan Trung ương trên địa bàn dôi dư sau khi xây dựng trụ sở mới như Viện Kiểm sát, Kho bạc, một số đơn vị quân sự... sau khi xây dựng cơ sở mới nhiều năm nhưng chưa có giải pháp để bàn giao cho địa phương chuyển đổi công năng sử dụng”, đại biểu nêu thực tế.
Vấn đề thứ hai đại biểu Trần Đình Gia quan tâm là việc sử dụng xe công phục vụ công vụ. Đại biểu cho rằng, hiện nay theo quy định tại các văn bản của Chính phủ, định mức cho việc này còn cào bằng, chưa sát thực tiễn, dẫn đến có cơ quan nhu cầu xe ít nhưng được bố trí nhiều, trong khi đó có nhiều cơ quan, địa phương có địa bàn quản lý rộng, số lượng cán bộ thuộc diện có xe công phục vụ lớn nhưng lại chỉ được bố trí từ 1 - 2 xe, dẫn đến phải thuê, mượn, ảnh hưởng đến nhu cầu công việc và không tiết kiệm trong chi tiêu hành chính.
Đại biểu Trần Đình Gia cũng đề nghị sớm điều chỉnh các quy định về sử dụng xe công. Theo quy định hiện nay, xe chở người có niên hạn sử dụng trong 20 năm nhưng xe công đi lại nhiều, xuống cấp rất nhanh, chi phí cho bảo dưỡng, sửa chữa đôi khi tốn kém hơn cả việc mua xe mới song vẫn bắt buộc phải sửa chữa để đảm bảo yêu cầu công việc, dẫn đến thực chất là rất lãng phí.
Liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật trong các lĩnh vực xây dựng và giao thông, đại biểu cho biết, mức độ phù hợp tiêu chuẩn của Việt Nam so với quốc tế mới chỉ đạt 60%, trong đó các khoản chi gián tiếp chiếm tỷ lệ cao nên lĩnh vực đầu tư công còn rất lãng phí.
“Ví dụ chi phí làm 1km cao tốc của Việt Nam là 156 tỷ, lớn hơn rất nhiều so với các nước có điều kiện tương đồng nhưng chất lượng công trình lại rất thấp, có công trình khi chưa bàn giao sử dụng đã xuống cấp”, đại biểu dẫn chứng.
Bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung của Báo cáo giám sát, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cùng quan điểm với đại biểu Trần Đình Gia khi cho rằng, Báo cáo đã cho thấy tình trạng lãng phí ở Việt Nam còn tràn lan ở mọi nơi. Đại biểu mong mỏi Quốc hội, Chính phủ, các địa phương và đồng bào bằng mọi cách tích cực chống lãng phí triệt để, tiết kiệm. Đại biểu cũng chỉ rõ, khi nói về đầu tư cho y tế, Báo cáo có nêu nội dung về việc mua sắm tập trung không hiệu quả, không kịp thời, không đáp ứng yêu cầu công việc; do đó đề nghị trong quá trình sửa đổi luật có liên quan, các cơ quan cần chú ý vấn đề này.
Đánh giá tác động giữa hoạt động khoa học công nghệ với sự phát triển kinh tế - xã hội
Nhất trí cao với Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện vấn đề này.
Về hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho khoa học, công nghệ. Dù chưa có cơ sở tổng hợp, xác định thực tế chi ngân sách Nhà nước cho khoa học, công nghệ có đạt hay không so với mức quy định, nhưng trong bối cảnh cân đối chi ngân sách Nhà nước còn khó khăn, chi thường xuyên cho khoa học công nghệ vẫn luôn được Quốc hội thông qua trung bình khoảng 0,79% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động công nghệ có nhiều tính đặc thù. Bản chất nghiên cứu khoa học là có tính mới, tính rủi ro, có độ trễ. Các nghiên cứu khoa học triển khai trong nhiều giai đoạn và nhiều kết quả nghiên cứu thành công còn cần tiếp tục được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc nguồn lực của xã hội để phát huy trong thực tế.
Ông Huỳnh Thành Đạt khẳng định, thời gian qua Bộ đã cố gắng hình thành một hệ thống các chỉ tiêu thống kê để phản ánh được tình hình, kết quả hoạt động khoa học công nghệ chủ yếu của đất nước, làm cơ sở cho việc đánh giá tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển khoa học công nghệ từng thời kỳ.
Giai đoạn vừa qua, đóng góp của ngành Khoa học công nghệ vào sự phát triển kinh tế-xã hội có thể được đánh giá gián tiếp thông qua một số chỉ tiêu bao gồm: Chỉ số đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp GDP vào tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao… Các chỉ tiêu này trong giai đoạn 2016-2020 đều có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Từ năm 2013 đến nay, hàng năm Bộ đều công bố Sách trắng về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các tổ chức liên quan xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; tổ chức đánh giá, thử nghiệm tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực, kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, qua đó đánh giá được mối tác động giữa các hoạt động khoa học công nghệ với sự phát triển kinh tế xã hội từng vùng.
Giải quyết các vướng mắc trong sử dụng xe công
Tại phiên thảo luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia giải trình, làm rõ một số ý kiến được đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng khẳng định, công tác thực hành tiết kiệm trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tốt, được thể hiện qua nhiều thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua như: tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%, thu ngân sách tăng gấp 1,66 lần của nhiệm kỳ trước, nợ công giảm từ 63,7% xuống còn 55,9% vào năm 2020... Đặc biệt, việc tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chuyển biến mạnh mẽ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính mong Quốc hội thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ, hỗ trợ Chính phủ hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tạo ra “đường băng” để kinh tế phát triển. Nêu một số nguyên nhân tác động đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông Hồ Đức Phớc khẳng định đây là lĩnh vực có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương và nhiều đơn vị nên vấn đề về văn bản quy phạm pháp luật, về các giải pháp, trách nhiệm của cơ quan quản lý phải được tiếp tục hoàn thiện.
Cho biết nhiều vướng mắc trong Luật Đầu tư công là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, Bộ trưởng cho hay những vướng mắc trong Luật Đất đai hiện hành cũng dẫn tới tình trạng chậm tiến độ thu hồi đất. Về vấn đề sử dụng tài sản công, trong đó có xe công, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng các quy định về các định mức sử dụng xe ô tô, quy định về cơ chế tiếp khách, công tác phí… Trong đó, dự kiến tháng 11/2022, Chính phủ sẽ ban hành quy định về sử dụng xe ô tô. Bộ Tài chính đã hai lần công khai trên Cổng Thông tin điện tử, theo đó dự thảo quy định rõ tiêu chí về việc mua sắm ô tô tại cấp huyện, góp phần giải quyết các vướng mắc hiện tại.