Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các cơ quan truyền thông, báo chí của Nhật Bản đã đăng thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hãng tin Kyodo đưa tin Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng nhất ở quốc gia Đông Nam Á này, không chỉ thảo luận các vấn đề nhân sự, mà còn các chiến lược về chính trị, ngoại giao và kinh tế.
Theo Kyodo, dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản, Việt Nam đã kiểm soát được dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với tổng số người dương tính với virus SARS-CoV-2 chưa đến 2.000 người và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,91% trong năm 2020.
Theo Đài phát thanh và truyền hình NHK, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc, vốn được tổ chức 5 năm/lần. Gần 1.600 đại biểu trên khắp Việt Nam đã tham dự lễ khai mạc Đại hội.
Đài NHK dẫn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội cho biết trong 5 năm qua, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 5,9%. Bất chấp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng trong năm 2020. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong việc thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch COVID-19 thành công; vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân.
Đài NHK đưa tin tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 2/2, các đại biểu sẽ định hình chính sách 5 năm tới và bầu ban lãnh đạo cho nhiệm kỳ mới.
Tờ Nikkei Asia đã đăng bài phân tích của tác giả Tomoya Onishi về Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của đại hội. Theo Nikkei Asia, trong lịch sử, Đại hội Đảng đã tạo ra những thay đổi lớn. Tờ báo nhắc lại tại Đại hội VI năm 1986, Đảng đã quyết định thực hiện công cuộc Đổi mới và mở cửa nền kinh tế, đưa đất nước đi theo mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là một trong những quyết sách đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển toàn diện của Việt Nam.
Tờ Nikkei Asia cũng cho biết Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội trung bình hằng năm từ 6,5% đến 7,0% trong 5 năm kể từ năm 2021, đồng thời đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển trước năm 2045.
Cùng ngày, hãng tin AFP của Pháp cũng đưa tin về lễ khai mạc Đại hội XIII của Đảng. Dẫn lời giới chuyên gia, hãng tin AFP nêu rõ bất chấp triển vọng quốc tế đầy thách thức, ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế kinh tế và chính trị từ việc xử lý thành công đại dịch COVID-19. Ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa kinh tế, tìm kiếm thêm các đối tác kinh tế, nước ngoài.
Đưa tin về lễ khai mạc Đại hội, hãng tin AP của Mỹ nêu rõ các nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng nước này đối mặt với cả những cơ hội và thách thức phía trước. AP dẫn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội, nêu rõ: "Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt".
Trang channelnewsasia.com đưa tin tại phiên khai mạc Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng trước gần 1.600 đại biểu tham dự. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định sự phát triển kinh tế vượt bậc và việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 là những thành tựu lớn trong năm vừa qua của Việt Nam.
Trang channelnewsasia.com dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và bền vững, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ chất lượng tăng trưởng được ổn định, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp.
Cùng ngày, báo Bangkok Post (Thái Lan) cũng đề cao thành tựu kinh tế của Việt Nam trong năm 2020. Báo dẫn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu bật mức tăng trưởng GDP 2,91% của Việt Nam hồi năm ngoái tại một khu vực ghi nhận có nhiều quốc gia bị sụt giảm kinh tế. Theo báo Bangkok Post, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam được biết đến là một điểm sáng kiềm chế thành công đại dịch COVID-19 song song với việc phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong khi đó, tờ Washington Post của Mỹ dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ toàn cầu hóa và sự hội nhập toàn cầu đang đi đúng hướng, song phải đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, cạnh tranh chiến lược và cạnh tranh kinh tế.
Báo The Star của Malaysia dẫn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khai mạc Đại hội, cho biết Đại hội diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen, nhiều vấn đề chiến lược mới đặt ra cần phải giải quyết. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những thách thức gồm biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và cả những thành tựu ngoạn mục của tiến bộ khoa học công nghệ đang tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống kinh tế - xã hội của đất nước cũng như toàn thế giới.
Theo The Star, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Đại hội XIII của Đảng là một kỳ đại hội "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Báo The Star đưa tin Đại hội XIII sẽ tập trung kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.