Cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: Sơn Nam/PV TTXVN tại Thái Lan |
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan sẽ mở cửa trong hai ngày 20 và 21/3 để các cá nhân, tổ chức, cộng đồng người Việt tại Thái Lan, chính quyền sở tại cũng như các phái đoàn ngoại giao ở Bangkok có thể tới viếng và ghi sổ tang.
Ngay từ sáng sớm, toàn thể cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan do Đại sứ Nguyễn Hải Bằng dẫn đầu đã dành một phút mặc niệm, thắp hương tưởng nhớ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Trong bầu không khí trang nghiêm, xúc động, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng đã nhắc lại những cống hiến to lớn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đối với đất nước trong thời gian ông làm việc. Đặc biệt, đối với cộng đồng bà con Việt kiều tại Thái Lan, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chính là người thúc đẩy để Chính phủ Thái Lan hợp pháp hóa quyền công dân cho bà con, tạo tiền đề cho những người Thái gốc Việt được thuận lợi trong làm ăn, sinh sống và phát triển như hiện tại.
Cũng trong sáng nay, được tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần, đại sứ các nước tại Thái Lan, ngoại giao đoàn và bạn bè quốc tế đã tới viếng và chia buồn.
Đại sứ Thụy Sỹ tại Thái Lan ông Ivo Sieber viếng và ghi sổ tang. Ảnh: Sơn Nam/PV TTXVN tại Thái Lan |
Trong sổ tang, Đại sứ Thụy Sĩ tại Thái Lan, ông Ivo Sieber viết, sự ra đi của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một sự mất mát lớn, xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới Nhà nước, Chính phủ và người dân Việt Nam cũng như gia đình của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Đại sứ các nước Nigeria, Colombia, Singapore và Pakistan cũng gửi lời chia buồn đến gia quyến nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Tại Khon Kaen, Tổng lãnh sự quán Việt Nam cũng đã mở sổ tang để đón tiếp các phái đoàn ngoại giao, giới chức sở tại, cộng đồng Việt Kiều vùng Đông Bắc và người dân Thái Lan đến chia buồn.
Cùng ngày, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã tổ chức lễ viếng và ghi sổ tang, đón tiếp các đoàn khách nước sở tại, Ngoại giao Đoàn, cộng đồng người Việt Nam tại Indonesia tới viếng và chia buồn với Chính phủ và Nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải bắt đầu lúc 8h30 sáng 20/3, với sự tham dự của toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, các cơ quan đại diện như Quân vụ, Thương vụ, Thông tấn xã Việt Nam, Hàng không Việt Nam…
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Indonesia Hồ Anh Thái cùng tập thể cơ quan và đại diện cộng đồng đã làm lễ dâng hương và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Trong sổ tang, Đại sứ Thái Lan Pichayaphant Charnbhumido và Đại sứ Algieria Aziria Abdezkader đã bày tỏ chia buồn sâu sắc đến Chính phủ và Nhân dân Việt Nam.
Đại sứ Bangladesh Azmal Kabir viết: “Thế giới sẽ còn nhớ nguyên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phan Văn Khải, người có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam”.
Lễ viếng và ghi sổ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Indonesia diễn ra đến hết ngày 21/3.
Sáng 20/3, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Trung Quốc đã tổ chức trọng thể lễ viếng và mở Sổ tang đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, từ trần ngày 17/3 vừa qua. Các cán bộ, nhân viên các Đại sứ quán Việt Nam, cùng gia đình và đông đảo đại diện cộng đồng, lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc đã tham dự lễ viếng.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, thay mặt Đảng ủy Việt Nam tại Trung Quốc, tập thể Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi đã đọc điếu văn bày tỏ niềm xúc động và tiếc thương vô hạn đối với đồng chí Phan Văn Khải.
Đại sứ Đặng Minh Khôi đã nhấn mạnh những đóng góp to lớn của đồng chí Phan Văn Khải, nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đối với sự nghiệp Đổi mới của đất nước cũng như những đóng góp của đồng chí với tư cách một người Cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đại sứ nêu rõ với bề dày của nhiều năm tham gia quản lý, điều hành công tác chính phủ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp Đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã thúc đẩy nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ để khắc phục những rào cản trì trệ của cơ chế cũ, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó có việc phát triển kinh tế tư nhân, cổ phần hóa doanh nghiệp, xây dựng nền tảng cho kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp mở cửa đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế.
Giai đoạn 1998 - 2006 là thời kỳ Việt Nam bước đầu hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương, đỉnh cao là việc Việt Nam tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC (năm 1998), ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (năm 2001), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (năm 2006), đặt nền tảng quan trọng cho thời kỳ hội nhập toàn diện và sâu rộng của đất nước ta sau này.
Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh trong thời gian 9 năm giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải đã có nhiều đóng góp vào việc thúc đẩy và dẫn dắt quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ngày càng ổn định và đi vào chiều sâu. Đồng chí đã nhiều lần thăm chính thức Trung Quốc, gặp gỡ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc Vụ viện Trung Quốc.
Trong giai đoạn này, cùng với những bước tiến nhanh chóng về hợp tác kinh tế - thương mại, văn hóa - giáo dục, giao lưu nhân dân, Việt Nam và Trung Quốc cũng đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề lịch sử tồn đọng giữa hai nước, đặc biệt là vấn đề biên giới trên bộ và trên biển. Hai bên đã lần lượt ký "Hiệp ước về biên giới trên đất liền" ngày 30/12/1999, "Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ" và "Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ" ngày 25/12/2000, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quản lý biên giới, lãnh thổ, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng biên giới Việt - Trung trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy, tăng cường quan hệ hợp tác song phương toàn diện cho tới ngày hôm nay.
Trong giờ phút đầy tiếc thương và xúc động, Đại sứ Đặng Minh Khôi cùng tập thể Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam, lưu học sinh Việt Nam ở Trung Quốc đã cùng nhau hướng về Tổ quốc, thắp hương và kính cẩn nghiêng mình để tưởng nhớ và vĩnh biệt đồng chí Phan Văn Khải, một nhân cách lớn, một trí tuệ lớn của nhân dân Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã mở Sổ tang trong hai ngày 20 và 21/3 để đại diện nước sở tại và đại diện ngoại giao đoàn tại Trung Quốc đến viếng đồng chí Phan Văn Khải.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, đúng 8h30 phút sáng 20/3, lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã được cử hành trọng thể tại hội trường Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, với sự có mặt của đông đảo cán bộ, nhân viên, thân nhân các gia đình trong Đại sứ quán, đại diện Đại sứ quán các nước, các cơ quan đại diện khác của Việt Nam tại Malaysia, cùng các tổ chức, cá nhân bà con cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia và bạn bè nước sở tại.
Trước khi dành một phút mặc niệm tưởng nhớ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Đại sứ Lê Quý Quỳnh đã điểm lại những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc.
Cũng trong sáng 20/3, nhiều đoàn quốc tế tại Malaysia đã đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, trong đó có Đại sứ các nước Campuchia, Nambia, Gambia, Venezuela, Timor Leste, Thổ Nhĩ Kỳ, cùng nhiều quan chức ngoại giao quốc tế.
Lễ viếng và ghi Sổ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Malaysia được tổ chức trong hai ngày 20 và 21/3.
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, sáng 20/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã tổ chức lễ viếng nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Tất cả các cán bộ, nhân viên, tùy viên quốc phòng và các phu quân, phu nhân, cùng đại diện các doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar đã tham dự buổi lễ. Lễ viếng và mở Sổ tang đã được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và thành kính trong niềm xúc động của tất cả những người tham dự.
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương đã điểm lại tiểu sử và nêu bật những đóng góp to lớn của đồng chí Phan Văn Khải đối với công cuộc đổi mới và hội nhập và phát triển của đất nước; cũng như tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân và bạn bè trong nước và quốc tế đối với nguyên Thủ tướng.
Đại sứ Luận Thùy Dương cho biết nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở chặng đường đầu của công cuộc Đổi mới và phát triển đất nước. Trong thời gian làm Thủ tướng, ông là người tích cực và quyết tâm xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế. Đại sứ nhấn mạnh, đồng chí nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Tất cả những người tham dự buổi lễ đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Trong sáng 20/3 đã có đại diện các Đại sứ quán Lào, Indonesia, Mỹ, CH Séc…, cùng các đại diện nhiều doanh nghiệp Việt Nam, Việt kiều và các tăng ni đang sinh sống và học tập tại Myanmar tới viếng và ghi Sổ tang.
Đoàn Đại sứ quán Lào tại Yangon, do Đại sứ Lyying Xayaxang làm Trưởng đoàn, là đoàn đại diện ngoại giao đầu tiên đến viếng và ký Sổ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong sổ tang Đại sứ Lào viết: “Tôi rất đau buồn khi nhận được tin về sự ra đi của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam. Thay mặt Đại sứ quán Lào tại Myanmar, tôi xin bày tỏ lời chia buồn sâu sắc trước tổn thất to lớn của gia đình và người thân của Ngài nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, cũng như của Chính phủ và người dân nước Việt Nam. Cầu mong Ngài nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải an nghỉ nơi vĩnh hằng”.
Quốc vụ khanh Teng Svong đại diện Bộ Nội vụ Campuchia đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: Minh Hưng/PV TTXVN tại Campuchia |
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, sáng 20/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia đã tổ chức lễ trọng thể viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với sự tham dự của các cán bộ, nhân viên sứ quán, các cơ quan bên cạnh sứ quán, đại diện cộng đồng Việt kiều, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia và lưu học sinh.
Trong không khí trang nghiêm, Đại sứ Vũ Quang Minh và những người tham dự lễ viếng đã thắp hương và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Sau khi điểm lại những đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Dân tộc, Đại sứ Vũ Quang Minh đã ghi sổ tang, trong đó nhấn mạnh đồng chí Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo kiệt xuất đã dành trọn cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Dân tộc; một nhà lãnh đạo có đức độ, tâm huyết, sống giản dị, trong sạch, hết lòng vì đất nước, vì nhân dân, được toàn Đảng, toàn dân yêu kính; cuộc đời đồng chí là tấm gương cho các thế hệ cán bộ, công chức noi theo.
Sau khi Đại sứ quán bắt đầu lễ viếng và mở sổ tang vào lúc 8h30 sáng đến chiều cùng ngày, có nhiều đoàn Campuchia và nước ngoài ở thủ đô Phnom Penh đã đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, trong đó có đoàn đại biểu Đảng Nhân Dân Campuchia (CPP) cầm quyền, do Ủy viên thường trực Ban thường vụ CPP, ông Sim Ca dẫn đầu; nhiều đại diện bộ, ngành của Campuchia.
Trong lời ghi vào sổ tang, ông Sim Ca nhấn mạnh nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã “góp phần rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh cho đến nay”; và sự ra đi của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải "là sự mất mát một người lãnh đạo rất quan trọng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam”. Thay mặt Ban chấp hành Trung ương CPP, ông Sim Ca bày tỏ “chia buồn hết sức sâu sắc với Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam, và tang quyến” nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Trong số các thành viên đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế ở Phnom Penh đã đến dự lễ viếng có các đại diện của các sứ quán Lào, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN.
Theo chương trình, trong hai ngày 20-23/3, Lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Đại sứ quán còn có nhiều đoàn của Campuchia và nước ngoài, trong đó có đoàn Quốc hội và Thượng viện Campuchia, đều do Phó Chủ tịch dẫn đầu, sẽ đến đặt vòng hoa viếng và ghi sổ tang tiễn biệt nhà lãnh đạo đáng kính của Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã mở cửa từ chiều ngày 20 và cả ngày 21/3 để các cá nhân, tổ chức, cộng đồng người Việt tại Singapore, chính quyền sở tại cũng như các phái đoàn ngoại giao tới viếng và ghi sổ tang đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Singapore Đinh Hoàng Linh cùng tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, các cơ quan bên cạnh và đại diện cộng đồng đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ngay trong chiều 20/3, được tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần, đại sứ các nước tại Singapore, ngoại giao đoàn và bạn bè quốc tế đã tới viếng và chia buồn. Đại sứ Nga Andrey Tatarinov là đại diện ngoại giao đầu tiên đến viếng và ký Sổ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong sổ tang Đại sứ Nga viết: "Thay mặt Đại sứ quán Liên bang Nga tại Singapore và nhân danh cá nhân tôi xin chuyển tới Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và gia đình nguyên Thủ tưởng Phan Văn Khải những lời chia buồn sâu sắc nhất. Trên cương vị Đại sứ Nga tại Hà Nội (2001-2004) tôi từng gặp gỡ và làm việc với nguyên Thủ tướng nhiều lần. Tôi đánh giá cao sự đóng góp không nhỏ của Thủ tướng Phan Văn Khải vào sự phát triển tình hữu nghị và đối tác chiến lược giữa hai nước chúng ta. Nhân dân Liên bang Nga sẽ nhớ mãi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, người bạn thân thiết của chúng tôi".
Thay mặt Chính phủ Singapore, ông Sam Tan Chin Siong, Quốc Vụ khanh, Chánh Văn phòng Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nhân lực, Bộ trưởng thành viên Bộ Ngoại giao Singapore đã đến viếng và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ, nhân dân Việt Nam về sự ra đi của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông Sam Tan Chin Siong nhấn mạnh "nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà lãnh đạo đáng kính và là một người bạn tốt của Singapore. Sự đóng góp của ông trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Singapore và Việt Nam sẽ luôn được ghi nhớ".
Đại sứ Lào Khonepheng Thammavong viết trong sổ tang: "Sự ra đi của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là tổn thất lớn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đồng thời Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào mất đi một người bạn thân thiết. Thay mặt Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chính phủ và nhân dân Lào, Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Singapore, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới Đảng, nhân dân và Chính phủ Việt Nam cũng như gia quyến nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trước nỗi đau mất mát quá lớn này".
Cũng trong chiều cùng ngày, Đại sứ Cộng hòa Chile cùng Công sứ người thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản, Công sứ người thứ hai Đại sứ quán Trung Quốc và Công sứ người thứ hai Đại sứ quán Thái Lan tại Singapore đã đến chia buồn, ghi sổ tang viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Lễ viếng và ghi sổ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Singapore sẽ diễn ra đến hết ngày 21/3.