Tại các cuộc làm việc, đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội đã thông báo tới cử tri về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 11. Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, cho ý kiến 1 dự án luật; Quốc hội cũng dành thời gian để xem xét, cho ý kiến, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, công tác giám sát và các vấn đề quan trọng khác, trong đó tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII...
Tiếp xúc với cử tri huyện Xín Mần (Hà Giang), trên tinh thần dân chủ, cởi mở, bà con mong muốn Quốc hội cần tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, mạng lưới đường giao thông nông thôn khu vực miền núi, biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Quốc hội cần có chính sách hỗ trợ phát triển lâu dài cho khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo; có chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng cao, con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp; quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, có chính sách thu hút đối với cán bộ đang công tác tại các xã miền núi, nhất là các xã đặc biệt khó khăn diện 30a...
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương đã ghi nhận và trả lời những ý kiến, kiến nghị của các cử tri. Bà Hà Thị Khiết đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Giang và huyện Xín Mần cần tập trung giải quyết những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình mà cử tri quan tâm. Đối với các vấn đề liên quan đến các Bộ, ngành Trung ương, Đoàn sẽ nghiên cứu, tổng hợp chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết.
Tại cuộc tiếp xúc với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cử tri nơi đây đánh giá cao vai trò điều hành của lãnh đạo Quốc hội qua các phiên họp trong thời gian qua. Quốc hội khóa XIII cũng đã đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng, liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, quyết định nhiều dự án, công trình quan trọng của đất nước; tăng cường công tác giám sát, chất vấn, phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đảm bảo quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân.
Cử tri mong muốn cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND sắp tới đạt chất lượng cao, bầu những người đủ đức, đủ tài, tâm huyết với công việc, giúp đất nước và nhân dân phát triển... Nhiều ý kiến cử tri cũng đề cập một số vấn đề Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và thông tin truyền thông đã làm trong thời gian vừa qua mà dư luận và xã hội quan tâm như: tập trung hoàn thành công tác mở rộng tuyến quốc lộ 1A; kiểm tra chấn chỉnh một số công trình lớn xây dựng trái phép; bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương...
Bên cạnh đó, cử tri tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, Nhà nước cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng lãng phí đầu tư công ngày càng gia tăng; việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức còn mang tính hình thức... Nhiều cử tri kiến nghị, các cơ quan, ban ngành chức năng cần tích cực hơn nữa trong việc giải quyết chế độ cho người có công và một số vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ, đền bù đất đai khi giải phóng mặt bằng.
Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách, quan tâm hơn nữa đối với vùng sâu, vùng xa, nhất là hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện cho các xã xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện các chương trình dự án cho miền núi cũng như hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ, nhất là người dân tộc thiểu số. Một số ý kiến cho rằng hiện nay hoạt động của HĐND cấp xã gặp không ít khó khăn, Quốc hội cần nghiên cứu có giải pháp củng cố, kiện toàn phù hợp.
Tại Hậu Giang, thông qua các buổi tiếp xúc, cử tri kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội nhiều vấn đề như: Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt là đấu tranh trước hành vi bồi lấp, xâm chiếm các đảo trên biển thuộc chủ quyền Việt Nam; có hình thức bảo vệ tài sản, ngư trường đánh bắt cho ngư dân Việt Nam, nhất là trước hành vi tàu nước ngoài ngang nhiên bắt người, phá tàu, tài sản của ngư dân.
Cử tri cũng kiến nghị đến Quốc hội về xây dựng chiến lược, bàn giải pháp đối phó biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn đang diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Hậu Giang nói riêng. Ngoài ra, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần chủ động trao đổi với các nước ở thượng nguồn sông Mê Kông để đưa nước ngọt về hạ nguồn nhằm ổn định sản xuất, đời sống cho người dân trong khu vực.
Nhiều cử tri cũng kiến nghị về công tác đào tạo, giải quyết việc làm; các chế độ, chính sách cho người có công, an sinh - xã hội, bất cập khi tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân… Cử tri đại diện các đoàn thể trong tỉnh nêu ý kiến về hoạch định, giải pháp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn...
Cử tri đại diện cho Công an tỉnh kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh một số điều, khoản trong Luật quản lý người nghiện ma túy, nhất là trong khâu tạm giữ, xử lý, bởi lẽ luật hiện nay coi người nghiện như là bệnh nhân nên khi phát hiện người nghiện thì không có chế tài xử lý; đây là nguyên nhân làm cho loại tội phạm này có chiều hướng tăng nhanh. Một số cử tri kiến nghị Nhà nước cần ký hiệp định tương trợ với các nước nhằm hỗ trợ phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài…