Loại bỏ “giặc nội xâm” Trong suốt quá trình lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước Đảng luôn quan tâm, xem công tác phòng chống tham nhũng là một nhiệm vụ quan trọng. Tại Hội nghị lần thứ Tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa IX đã nhận định: Tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã lây lan rộng sang nhiều lĩnh vực kể cả lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ pháp luật; tình trạng sách nhiễu người dân vẫn diễn ra phổ biến làm người dân bất bình.
Hội nghị lần thứ Ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X khẳng định: Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Đến Hội nghị Trung ương 9, khóa X, Đảng ta nhận định: Tình trạng tham nhũng vẫn còn diễn biến nghiêm trọng và phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức còn gây bức xúc trong nhân dân. Ngoài lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, quản lý ngân sách, cổ phần doanh nghiệp, tiếp tục phát hiện các vụ việc, vụ án nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý tiền tệ, quản lý tài nguyên khoáng sản, môi trường, trong công tác tổ chức cán bộ.
Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII tiếp tục nhìn nhận: Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp, ngày 22/1. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Đến phiên họp thứ 13 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tháng 1/2018, trong phần nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã nêu rõ: Cần chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (tham nhũng vặt); kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan phòng chống tham nhũng.
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay sẽ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chú trọng thực hiện. Đó là, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ cho công tác phòng, chống tham nhũng. Cụ thể là những nội dung về hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng theo Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành…
Thực hiện 3 không Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng vặt sẽ được Ban Nội chính Trung ương triển khai thực hiện kiên quyết, kiên trì, thường xuyên và liên tục; hướng đến thực hiện "3 không" trong phòng chống tham nhũng vặt là: Không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt về công tác phòng chống tham nhũng, nhiều vụ việc tham nhũng đã bị xử lý. Tại các địa phương xảy ra hiện tượng tham nhũng vặt là chủ yếu. Tham nhũng vặt có quy mô nhỏ, nhưng phạm vi rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Do đó, thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục phải vừa kiên quyết phát hiện, vừa ngăn ngừa, phát huy vai trò của nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng.
Để công tác phòng chống tham nhũng vặt ngày một hiệu quả hơn, các đơn vị cần có giải pháp đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là đề cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu cấp ủy cũng như nâng cao trình độ, nghiệp vụ, phẩm chất, đạo đức của cán bộ, coi công tác phòng chống tham nhũng vặt là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ hằng năm.
Theo ông Phan Bá - Vụ trưởng Vụ công tác phía Nam, Ban Nội chính Trung ương, nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn tham nhũng vặt, thời gian tới, cần triển khai thực hiện hiệu quả chính quyền điện tử trên tất cả các lĩnh vực. Từ đó tăng cường triển khai các thủ tục hành chính trực tuyến, mọi thông tin cấp phép, xin phép, nộp thuế, khai báo hải quan đều thực hiện được qua mạng internet. Qua đó, công chức ít tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, từ đó, hạn chế nhũng nhiễu, vòi vĩnh, nhận hối lộ.
Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Công tác đào tạo cần thực hiện chuyên nghiệp và nghiêm túc vì mục tiêu hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có tâm, vừa có tầm. Trong công tác quy hoạch, tạo nguồn, bổ nhiệm cán bộ cần công khai, lựa chọn bài bản, khoa học, bình đẳng, tạo môi trường lành mạnh để tuyển chọn được cán bộ vừa có đức, vừa có tài, phải coi trọng công tác xây dựng và đào tạo cán bộ là nòng cốt.
Cùng với đó là củng cố, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng tham mưu của Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy cho cấp ủy để chỉ đạo tốt công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, nhận hối lộ của người dân và doanh nghiệp. Nhất là quan tâm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, đảng viên; đồng thời tuyên truyền để nhân dân hiểu, có tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về tác hại của tham nhũng.
Ông Trần Quốc Thanh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng vặt cần tăng cường vai trò cơ quan thông tin đại chúng. Báo chí cung cấp kịp thời, khách quan về tình hình tham nhũng; đồng thời kịp thời nêu gương điển hình trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cần để báo chí là cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật; sử dụng cơ quan báo chí như một công vụ, một lực lượng hữu hiệu để thúc đẩy phong trào chống tham nhũng trong nhân dân.
Cùng quan điểm, ông Đinh Văn Dũng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân phát hiện, phản ánh hành vi tiêu cực, tham nhũng. Khi phát hiện cần xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, từ đó công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, cảnh tỉnh chung.
Còn theo ông Đinh Công Út, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ, để vấn nạn tham nhũng vặt được giải quyết căn cơ, một trong những yếu tố quan trọng là vai trò nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Bởi kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ở cơ quan, đơn vị nào, thủ trưởng biết quan tâm, chỉ đạo, quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm; đồng thời không quan liêu, hách dịch, nhận quà sai quy định, cán bộ, công chức nơi đó sẽ thực hiện nghiêm túc chức năng, trách nhiệm được giao.
Một yếu tố quan trọng nữa trong phòng ngừa tham nhũng vặt chính là từ phía người dân. Nếu người dân hiểu sâu sắc những quy định của pháp luật nói chung và luật về phòng chống tham nhũng nói riêng, chắc chắn người dân sẽ mạnh dạn nói không với việc “lót tay”, đưa hối lộ. Từ đó ngăn ngừa tệ tham nhũng vặt và thay đổi thói quen xin xỏ, “bôi trơn” khi vi phạm, khi làm các thủ tục hành chính và đặc biệt là ý thức tuân thủ pháp luật của người dân được nâng cao.
Do đó, cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân hiểu và thực hiện. Mặt khác, cần xây dựng cơ chế tốt nhất để bảo vệ người tố cáo tham nhũng; đồng thời, các đoàn thể quần chúng cần phát động trong đoàn viên, hội viên nói không với tham nhũng, hối lộ.
Phó Giáo sư Vũ Thu Hạnh - Phó vụ trưởng Vụ nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương cho rằng, công khai minh bạch là "khắc tinh" của tham nhũng. Nếu công khai minh bạch càng lớn, “khoảng mờ” về tham nhũng càng bị thu hẹp. Do đó, trong thực hiện các thủ tục hành chính, hạn chế trao đổi trực tiếp giữa người dân với cơ quan công quyền bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, cần tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác phòng chống tham nhũng, cho người dân quay phim, chụp hình gửi vào trang điện tử của cơ quan phòng chống tham nhũng, từ đây cơ quan phòng chống tham nhũng căn cứ kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý cụ thể, hiệu quả.
Bài 5: Một số kinh nghiệm bước đầu