Ghi nhận những kết quả của Sở Nội vụ Hà Nội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và kế hoạch của thành phố, tham mưu cho thành phố triển khai hiệu quả chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị Sở Nội vụ tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiến hành nhiều đợt kiểm tra đột xuất hơn để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, Sở Nội vụ Hà Nội phải làm tốt công tác quản lý biên chế. Sở cần sớm rà soát nhu cầu tuyển dụng của từng xã, phường, thị trấn theo hai bước rõ rệt: tính toán đến lực lượng cán bộ sẵn có và tuyển dụng thêm. Quá trình tuyển dụng phải đảm bảo đúng chuyên môn, năng lực, đảm bảo công bằng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác và cải thiện chất lượng đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.
Hà Nội hiện có 53 cơ quan hành chính, 2.634 đơn vị sự nghiệp, 60 tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước. Số lượng đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cao gấp nhiều lần so với một số tỉnh, thành khác. Ngoài ra trên địa bàn thành phố còn có hàng trăm cơ sở giáo dục đào tạo tư nhân, bệnh viện, phòng khám được Chính phủ phân cấp cho thành phố quản lý.
Theo ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, Sở đã tham mưu cho thành phố một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả như: sắp xếp, tinh gọn cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố; sắp xếp mô hình Trung tâm Y tế - Dân số cấp huyện; thí điểm tổ chức Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã cũng như sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước.
Đồng thời, Sở Nội vụ Hà Nội đã tham mưu, trình UBND thành phố phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong toàn bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; phối hợp với Sở Tài chính lấy ý kiến các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, trình thành phố xem xét cơ chế đặc thù khuyến khích tự nguyện tinh giản biên chế. Tính đến tháng 8/2018, Sở Nội vụ đã tham mưu trình UBND thành phố phê duyệt 12 đợt tinh giản biên chế với 695 người, tổng kinh phí gần 64 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cũng cho biết, một số mặt công tác của Sở còn gặp khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu. Tính đến 1/7/2018, tổng số công chức, viên chức, công chức cấp xã còn thiếu so với biên chế được giao là hơn 22.000 người, trong đó nhiều nhất là viên chức (thiếu gần 20.000 người). Số lượng biên chế còn thiếu rất lớn, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và công chức cấp xã. Hiện một số cơ quan, đơn vị vẫn đang dùng hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn để chờ tuyển dụng.
Đại diện khối quận, huyện, bà Nguyễn Thị Ngọc Vĩnh - Trưởng phòng Nội vụ huyện Hoài Đức cho biết, huyện Hoài Đức đang trên đà phát triển đô thị nên khối lượng công việc phải thực hiện rất nặng. Trong khi đó, huyện còn thiếu công chức ở nhiều vị trí nên công chức của huyện đang phải làm ngoài giờ nhiều.
Thị xã Sơn Tây cũng tương tự huyện Hoài Đức. Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây, bà Đỗ Thị Lan Hương cho biết, 3 năm qua, thành phố chưa tiến hành tuyển dụng công chức trong khi theo quy định, đơn vị không được tự ký hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn nên nhiều vị trí thiếu nhân lực. Ví dụ, với vị trí công chức tư pháp xã, phường, có rất nhiều thủ tục hành chính phải giải quyết, trả kết quả trong ngày. Số công chức hạn chế như hiện tại gây khó khăn trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Tạ Quang Ngải, Trưởng phòng Công chức - Viên chức, Sở Nội vụ Hà Nội thông tin, hiện nay, trên địa bàn thành phố, số công chức cấp xã còn thiếu khoảng 24.000 người. Ba năm qua, Hà Nội chỉ tuyển dụng ngắn hạn, tuyển dụng không thi và tuyển dụng nhỏ. Thành phố cần có kế hoạch tuyển dụng và cơ chế khuyến khích, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công việc.