Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Tòng Thị Phóng ghi nhận và đánh giá cao hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và tiếp công dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đối với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực. Thông qua hoạt động này thể hiện HĐND thực sự là cơ quan quyền lực ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Tuy nhiên, việc tiếp công dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Thường trực HĐND một số tỉnh, thành phố có lúc, nơi chưa thường xuyên và hiệu quả còn hạn chế. Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố cần quán triệt sâu sắc, đầy đủ mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, quy trình của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đến tất cả các đại biểu HĐND và những người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu phải được thực hiện đúng quy trình và nghiêm túc, tránh hình thức. Đối với hoạt động tiếp công dân của HĐND, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân bằng nhiều hình thức, phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của từng dân tộc để mọi người dân hiểu rõ về thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan, về quy trình thủ tục đối với hoạt động khiếu nại tố cáo.
Đồng chí Tòng Thị Phóng cũng đề nghị cần nâng cao hơn nữa vai trò của Thường trực HĐND, của đại biểu HĐND trong giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp, nhất là đối với với các vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa hợp tình, hợp lý, vi phạm trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết kiểm tra.
Các tỉnh, thành phố trong khu vực cần tăng cường và tổ chức thực hiện tốt việc giám sát chuyên đề giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo quy định, đồng thời cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo do Thường trực HĐND, đại biểu HĐND chuyển đến; quan tâm đến công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức làm công tác tham mưu giúp Thường trực HĐND tiếp công dân. Ngoài trình độ chuyên môn vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần cầu thị, hết lòng vì công việc chung, vì nhiệm vụ được giao thì cán bộ làm công tác tiếp dân còn cần phải biết lắng nghe và có khả năng phân tích, tổng hợp cao; có khả năng xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý tốt, am hiểu về trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước để giải thích cho dân rõ về pháp luật và hướng dẫn công dân thực hiện đúng quy trình thủ tục…
Báo cáo tại hội nghị, qua theo dõi hoạt động của HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2011-2016 và từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay cho thấy, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã tổ chức, triển khai hoạt động lấy phiếu tín nhiệm và tiếp công dân theo đúng các quy định của pháp luật. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên thực hiện tại kỳ họp giữa năm 2013, lần thứ hai vào kỳ họp cuối năm 2014, đã khẳng định đây là một chủ trương đúng và cần thiết trong giai đoạn mới và là bước tiến quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, tạo được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của dư luận, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND, các đại biểu HĐND đã tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh định kỳ và thường xuyên, kịp thời giải quyết đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc nghiên cứu, hướng dẫn công dân gửi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, nghiên cứu, hướng dẫn công dân...
Trước đó, đồng chí Tòng Thị Phóng đã đi thắp hương đồng chí Y Ngông Niê Kđăm (là đại biểu Quốc hội 9 khóa liên tục) và đi thăm tặng quà một số gia đình các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk qua các thời kỳ.