Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà với Đoàn công tác đã đề cập toàn diện công tác phòng chống tham nhũng của Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng. Báo cáo khẳng định việc hoàn thiện thể chế để phục vụ công tác phòng chống tham nhũng được Ban cán sự đảng tập trung chỉ đạo quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về quy hoạch xây dựng đô thị; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống định mức, đơn giá; quản lý các hoạt động xây dựng; thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng...
Hiện Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương khẩn trương thực hiện Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng. Mục tiêu của Đề án là hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo thị trường xây dựng cạnh tranh, minh bạch và công bằng, góp phần nâng cao hiệu quả các dự án, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Bộ đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng làm cơ sở để phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm đầu tư; tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng...
Trong năm 2018, Bộ Xây dựng đã trả lời, giải đáp làm rõ 280 kiến nghị, phản ánh vướng mắc của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; trả lời trên 83 kiến nghị của cử tri và đại biểu Quốc hội có nội dung liên quan các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng. Quý I/2019, Bộ Xây dựng đã nhận được 128 phản ánh, kiến nghị về nội dung quy định hành chính.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kiến nghị các đơn vị xây dựng, bổ sung, sửa đổi quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động, biệt phái viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong công tác tổ chức, cán bộ, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý đã để xảy ra các sai phạm. Bên cạnh các yêu cầu xử lý hành chính, Thanh tra Bộ đã yêu cầu xử lý về kinh tế số tiền hơn 12,5 tỷ đồng...
Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phòng chống tham nhũng được Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng chỉ ra là công tác tự kiểm tra, thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng ở một số đơn vị đã được thực hiện, tuy nhiên chưa kịp thời, khả năng tự phát hiện tham nhũng trong đơn vị chưa cao. Các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng đối với hoạt động thực tế của các doanh nghiệp, Tổng Công ty có vốn nhà nước còn chưa cụ thể; mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng chống tham nhũng chưa rõ nét, chưa tạo nên sức mạnh để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn...
Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng kiến nghị nên có cơ chế kiểm soát hiệu quả tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời sớm nghiên cứu và triển khai xây dựng đề án về thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục bổ sung các quy định cụ thể và khả thi để người dân tích cực tham gia phát hiện, tố cáo tham nhũng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công và thực hiện Chính phủ điện tử...
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Đoàn công tác làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng về tình hình, kết quả công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian vừa qua, trọng tâm là năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.
Đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá trong năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành và trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phòng chống tham nhũng thời gian tới, đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, nhất là Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X; Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Tố cáo; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018.
Bộ Xây dựng tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để phòng chống tham nhũng, hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng" nhất là khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Phát triển đô thị, Luật Kiến trúc, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị; phấn đấu sớm hoàn thành việc triển khai thực hiện Đề án hoàn thiện định mức, giá xây dựng và Đề án hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách pháp luật để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách.
Đồng chí Phan Đình Trạc lưu ý Bộ Xây dựng đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thanh tra kiểm tra, giám sát của Đảng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng; chú ý kiểm tra, giám sát những cán bộ, đảng viên có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, có nhiều dư luận quần chúng phản ánh, tố cáo về tiêu cực, tham nhũng. Bộ quan tâm chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là tập trung kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực có nhiều thông tin, dư luận và dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như đầu tư xây dựng, quy hoạch xây dựng, quản lý hoạt động xây dựng... Bộ nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc thanh tra, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ngay trong quá trình thanh tra, khắc phục tình trạng phát hiện, kết luận sai phạm nhiều nhưng chuyển cơ quan điều tra ít.
Đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng cần tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp (tham nhũng vặt) trong giải quyết công việc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ. Bộ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ công tác giám định phục vụ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là đối với các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân cố tình né tránh, chậm trễ, kéo dài, kết luận sai lệch trong công tác giám định, cung cấp tài liệu...