Năm 2015 – năm cuối của việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2010 – 2015 đã khép lại với những thành tựu to lớn của đất nước về mọi mặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới.
Ngày 2/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đổi mới thực sự và trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội, sự đồng lòng ủng hộ của đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội đã hoàn tất toàn bộ các chương trình hoạt động với những nội dung quan trọng và khối lượng công việc rất lớn.
Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, Quốc hội cũng đang gấp rút triển khai những nội dung làm việc cuối cùng, để kết thúc thắng lợi toàn bộ chương trình hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII.
Thưa Chủ tịch Quốc hội, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII đã và đang hoàn tất những nội dung làm việc cuối cùng; khép lại một khóa Quốc hội hết sức thành công với khối lượng rất lớn công việc được hoàn thành. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, xin Chủ tịch cho biết những dấu ấn lớn nhất của nhiệm kỳ này là gì?
Phải nói rằng, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII thực ra là sự kế thừa, tiếp nối thành tựu, kinh nghiệm của 13 khóa Quốc hội trước đó, với mốc lịch sử to lớn kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, bầu ra Quốc hội Việt Nam. Nếu tính từ khóa I đến XIII, thì Nhân dân đã bầu ra hơn 6.000 đại biểu Quốc hội.
Đến nay, nhiều vị tiền bối cách mạng đã từ trần. Hơn 2.500 đại biểu Quốc hội còn lại đã kế tiếp nhau, liên tục hoạt động với niềm tự hào sâu sắc của người đại biểu Nhân dân.
Quốc hội khóa XIII được bầu ra là kế thừa trách nhiệm của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ những khóa trước để làm tốt công tác lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia; thực hiện tốt thẩm quyền giám sát tối cao với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, xã hội và đặc biệt là kế thừa tinh thần mỗi đại biểu Quốc hội là một đại biểu của Nhân dân.
Về tư cách Nhà nước, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước thực hiện quyền của Nhân dân giao phó. Cho nên Quốc hội phải hoạt động trên tinh thần lợi ích của Nhân dân, đại biểu của Nhân dân.
Quốc hội Khóa XIII là khóa kế thừa tinh thần bất định ấy và nỗ lực phấn đấu thực thi hiệu quả quyền lực Nhà nước giao phó. Bởi vậy, ngay từ đầu khóa, Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội đã quyết tâm thực hiện nhiệm vụ Nhân dân giao, đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc triển khai cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Mỗi đại biểu đều làm việc hết sức mình, cả tập thể Quốc hội khóa XIII là một tập thể đoàn kết, vững mạnh.
Vì vậy, có thể nói rằng, dấu ấn lớn nhất của Quốc hội khóa XIII là tinh thần đoàn kết, đó cũng là cơ sở quan trọng để tập hợp, phát huy trí tuệ của các đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, có thể thấy yếu tố “gần dân” trong nhiệm kỳ này. Mỗi ý kiến đại biểu Quốc hội trên diễn đàn đều mang đậm hơi thở cuộc sống, thể hiện ý chí, mong muốn và nguyện vọng của người dân, lấy mục tiêu vì Nhân dân để bàn thảo và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước.
Trong bối cảnh tình hình trong nước, ngoài nước gặp rất nhiều khó khăn, Quốc hội khóa XIII đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng quyết định đến việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hướng tập trung tái cơ cấu nền kinh tế về mọi mặt để nâng cao chất lượng, hiệu quả và đề ra những chỉ tiêu rất quan trọng làm các cột mốc phát triển.
Quốc hội cũng đã thực hiện quyền giám sát của mình để đặt ra những yêu cầu đối với Chính phủ, đối với hệ thống chính quyền cả nước. Hoạt động giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong nhiệm kỳ đã tạo ra một sự chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động của toàn bộ bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở.
Minh chứng điển hình việc tổ chức chất vấn tại kỳ họp này, và đến Kỳ họp sau phải báo cáo, kỳ họp sau nữa thì tiến hành chất vấn lại 2 kỳ họp này, kỳ họp cuối cùng chất vấn lại những chất vấn của cả 9 kỳ họp trước đó. Cách tổ chức giám sát như vậy thì khó có thể bỏ rơi vấn đề gì. Cũng tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua, đã có sự chuyển giao giám sát việc thực thi chất vấn để nhiệm kỳ Quốc hội sau tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện.
Tôi đánh giá cái được lớn nhất của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII từ lập hiến, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đến giám sát đã khiến Quốc hội gần dân hơn. Người dân tin tưởng và cảm nhận rõ, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tư lệnh ngành đang bàn việc của mình.
Mỗi cuộc chất vấn, mỗi cuộc họp công khai, thông qua hệ thống truyền thông tới từng nhà, từng vùng, người dân biết rằng Đảng, Nhà nước đang làm gì, Quốc hội đang bàn bạc, triển khai những giải pháp gì để phục vụ Nhân dân. Đây cũng là đặc trưng của diễn đàn Quốc hội, ngày càng phổ biến, công khai việc bàn thảo công việc trọng đại quốc gia từ xây dựng Hiến pháp cho đến việc quyết định tăng lương, giải quyết các hồ đập, thủy điện, phân bón, thuốc trừ sâu, con trâu, cái cày… Tất cả những việc đó, Nhân dân đều được biết, được nghe, do đó ngày càng củng cố sự đồng thuận, tin tưởng từ phía người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động của Quốc hội.
Thưa Chủ tịch Quốc hội, Hiến pháp 2013 là một công trình đặc biệt trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, là điểm nhấn trong công tác lập pháp của Quốc hội, Chủ tịch đánh giá như thế nào về bản Hiến pháp 2013 so với những thành tựu khác trong cả nhiệm kỳ?
Một trong những dấu ấn lớn nhất của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII có thể kể đến bản Hiến pháp 2013. Đất nước ta đã qua 5 lần sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 kế thừa những bản Hiến pháp trước đây, trong đó có Hiến pháp 1946. Ngay từ đầu khóa XIII, Quốc hội đã bàn kế hoạch sửa đổi Hiến pháp để triển khai chủ trương, đường lối, cương lĩnh của Đảng. Quốc hội dành cả hai năm 2011, 2012 là thời kỳ chuẩn bị, xin ý kiến nhân dân.
Đến cuối năm 2013 mới thông qua Hiến pháp. Đây là thành tựu hết sức to lớn của dân tộc, là công trình được xây dựng nên trên cơ sở kết tinh trí tuệ của toàn thể các tầng lớp Nhân dân. Hiến pháp 2013 là sự kiện chính trị pháp lý có ý nghĩa đặc biệt phục vụ một chu trình đổi mới, phát triển lâu dài của đất nước ta trong tương lai.
Trong Hiến pháp 2013 cũng thể hiện rõ quy định Đảng và Đảng viên phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, phải chịu sự giám sát của Nhân dân; phục vụ Nhân dân. Đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Những quy định này rất chặt chẽ, khoa học và mang đậm tinh thần đổi mới để giữ vững nền tảng ổn định chính trị, đưa đất nước ngày một phát triển.
Về bộ máy Nhà nước, Hiến pháp 2013 cũng đã xác định rõ mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Lần đầu tiên bản Hiến pháp của chúng ta quy định, quyền lập pháp là quyền của Chính phủ, quyền tư pháp giao cho tòa án, rất minh bạch rõ ràng về bộ máy Nhà nước .
Đặc biệt, về quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp 2013 đã quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước phải tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ. Hiến pháp của chúng ta cũng khẳng định trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu là trách nhiệm của mọi công dân; trong đó lực lượng vũ trang trung thành với Đảng với Tổ quốc, với Nhân dân làm lực lượng nòng cốt; huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc.