Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII - Bài 1: Xây dựng Đảng về đạo đức - điểm sáng nổi bật

“Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh” là một trong những mục tiêu quan trọng, được Đại hội XII của Đảng xác định.

5 năm qua, quyết tâm thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt này, toàn Đảng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp là sự tiếp nối, phát triển hơn, có những giải pháp là sự đột phá, nhìn thẳng vào sự thật và quyết tâm giải mã những điểm nghẽn.

Nhìn lại nhiệm kỳ XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Trung ương và cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được những kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng các nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ Đại hội XII đã góp phần rất quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Bài 1: Xây dựng Đảng về đạo đức - điểm sáng nổi bật

Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong nhiều năm qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng đến nay, công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngày càng được coi trọng. Đặc biệt, Đại hội XII của Đảng xác định: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”, đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đây là sự bổ sung, phát triển quan trọng về lý luận và thực tiễn của Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng toàn diện, càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Triển khai đồng bộ nhiệm vụ xây dựng Đảng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề ra nhiều chủ trương, định hướng quan trọng, gắn chặt công tác xây dựng Đảng về đạo đức với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngay từ đầu nhiệm, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW " Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" xác định toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.

Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ 4, Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu phải nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… Trung ương thống nhất phải tiến hành đồng bộ nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm về: giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; cơ chế, chính sách; kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Trung ương đặc biệt nhấn mạnh muốn Nghị quyết này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Cần kết hợp có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với việc triển khai Chỉ thị 05-CT/TW trong toàn hệ thống chính trị.

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Trong nhiệm kỳ XII của Đảng, việc đẩy mạnh tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để từ đó lan tỏa những tấm gương, những nghĩa cử, những hành động đẹp trong xã hội đã được các cấp, ngành trong cả nước chú trọng thực hiện. Khắp mọi miền đất nước, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi, hải đảo xa xôi không khó thấy những tấm gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, đầy sáng tạo, tô thắm thêm những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Chính phủ, các ban, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực.Thủ tướng Chính phủ phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Quân ủy Trung ương phát động Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng các mô hình: “Tự soi, tự sửa”, “Làm việc theo chức trách, nêu gương trong hành động”; “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; “Đảng viên dìu dắt quần chúng”.

Đảng ủy Công an Trung ương có cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở các địa phương trong cả nước. Ban Dân vận Trung ương có phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Nhiều địa phương đã có những các cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả trong việc đưa Chỉ thị 05-CT/TW vào cuộc sống. Đó là mô hình “Mỗi đảng viên đóng góp, giúp đỡ một gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, mỗi cá nhân gắn liền với một địa chỉ nhân đạo” của Đồng Tháp; Mô hình “gần dân, sát dân và giúp dân” của Bình Dương; Mô hình “Nhân dân đăng ký 3 nội dung: Treo ảnh Bác nơi trang nghiêm trong nhà, gia đình không vi phạm pháp luật, gia đình không vi phạm an toàn giao thông”; “Sư cả và Ban quản trị chùa học tập và làm theo Bác” của Vĩnh Long…

Tại Bình Dương, mô hình “Gần dân, sát dân”, “Gần dân, sát dân và giúp dân”, “Gần dân, sát cơ sở” của Đảng bộ Bến Cát, Bàu Bàng, Dĩ An, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên đã tạo sự gắn kết mật thiết giữa tổ chức Đảng, đảng viên với quần chúng nhân dân.

Trong năm 2020, trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người dân trên mọi miền Tổ quốc đã chung sức, đồng lòng với Đảng, Nhà nước chống lại đại dịch. Ở những công việc, vị trí khác nhau, mỗi người đều có cách của riêng mình để chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch bệnh, lan tỏa sâu đậm tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong tư tưởng của Người. Cấp bách phòng, chống dịch, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện sản xuất, cấp phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí, thiết thực giúp đỡ nhân dân. Màu áo xanh tình nguyện của thanh niên, sắc phục trang nghiêm của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang kịp thời xuất hiện trên các địa bàn, đồng hành sát cánh cùng bà con trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân  Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bước đầu ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nội dung sinh hoạt chính trị, văn hóa quan trọng này ngày càng sâu rộng, trở thành công việc thường xuyên, tự giác, thiết thân của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Kết quả của việc học tập và làm theo tấm gương Bác đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nếp sống văn hóa mới, củng cố nền tảng tư tưởng và đạo đức cho toàn xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về việc tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hăng hái phấn đấu, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nêu gương để Đảng mạnh

Chú thích ảnh
Tiễn đưa 13 liệt sỹ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 về với đất mẹ. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Điểm nhấn quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức của nhiệm kỳ Đại hội XII là tập trung vào phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, được thể hiện qua nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định quan trọng của Đảng. Cụ thể là Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Tinh thần của các chỉ thị, nghị quyết, quy định nêu trên, tất cả cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Người đứng đầu phải là người thực hành nêu gương đầu tiên, thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; trách nhiệm trong công tác; về tự phê bình và phê bình; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Nêu gương không chỉ là khẩu hiệu, mà người đứng đầu phải nói đi đôi với làm trong thực hiện nêu gương.

Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng những chuẩn mực, quy định cụ thể về đạo đức của cán bộ, đảng viên phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và nghề nghiệp, việc làm của cán bộ, đảng viên. Nhiều cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác, hăng hái, tận tụy với công việc, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thực sự là những tấm gương sáng.

Thôn Lời, xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, đã thành công trong việc vận động người dân hiến đất làm đường, tạo diện mạo mới cho địa phương, bắt nguồn từ sự gương mẫu thực hiện của các đảng viên trong thôn. Tấm gương chị Sầm Thị Hoàn, Trưởng thôn Dạ 2, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai, luôn đi đầu, hết lòng vì công việc chung, khiến người trong thôn luôn tin tưởng, quý mến.

Với suy nghĩ “mình phải gương mẫu làm trước, làm tốt bà con dân bản mới tin, mới làm theo,” Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình Hồ Thị Thoi (người dân tộc Bru - Vân Kiều) luôn là người tiên phong trong các phong trào, hoạt động ở địa phương. Năng nổ, sâu sát cơ sở, cùng bà con tháo gỡ khó khăn, gây dựng kinh tế, chị Hồ Thị Thoi được dân bản yêu thương ví như một bông hoa rừng đang tỏa hương thơm ngát giữa đại ngàn.

Trong đợt mưa lũ lịch sử những tháng cuối năm 2020, nhiều tấm gương về sự dũng cảm, dấn thân của những cán bộ vì dân đã gây xúc động mạnh trong lòng người dân cả nước. Trong lúc giúp dân vùng lũ, Chủ tịch UBND Bắc Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã bị nhiễm vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore, dẫn đến tử vong. Sự ra đi đột ngột của đồng chí Phan Thanh Miên để lại sự tiếc thương cho người thân và nhân dân địa phương. Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) Nguyễn Văn Bình cùng đoàn công tác của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên-Huế vào cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ để lại mẹ già đau ốm cùng vợ và hai con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 cũng đã cướp đi một vị tướng của Quân khu 4, một vị tướng ra trận cứu dân nhiều lần trong lũ dữ, một vị tướng cùng đồng đội chọn đi về phía nhân dân - Thiếu tướng Nguyễn Văn Man. Câu nói cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man khi báo cáo với Thủ tướng về người đồng đội của mình: “Nhân dân đang cần chúng ta đến thì bất luận có hy sinh cũng phải đến” đã gây xúc động mạnh trong lòng quân, dân cả nước. Vào những thời khắc khó khăn, sinh tử, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man đã lựa chọn sự dấn thân vì dân, vì nước. Những tấm gương, câu chuyện người thực, việc thực như vậy cho thấy người cán bộ khi nói được, làm được, sẽ luôn có sức ảnh hưởng, thu phục quần chúng.

Thực tiễn hơn 90 năm phát triển của Đảng ta đã cho thấy dân tin yêu và đi theo con đường của Đảng bắt đầu từ những gương cán bộ, đảng viên cụ thể, nói đi đôi với làm. Nhiều đảng viên gương mẫu, Đảng sẽ mạnh, dân sẽ luôn tin tưởng và sẵn sàng thực hiện mọi chủ trương, đường lối đúng đắn mà Đảng đề ra, đất nước sẽ luôn phồn thịnh và người dân được ấm no, hạnh phúc.

Với những điểm nhấn quan trọng, công tác xây dựng Đảng về đạo đức đã đạt được những kết quả đáng trân trọng, góp phần tạo nên điểm sáng nổi bật trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức nhiệm kỳ XII đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài 2: Đột phá trong công tác cán bộ 

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII - Bài cuối: Quyết tâm cao, giải pháp đột phá, hành động quyết liệt
Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII - Bài cuối: Quyết tâm cao, giải pháp đột phá, hành động quyết liệt

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN