Cải tổ từ Ủy ban Dân tộc giải phóng
Sự ra đời của Chính phủ lâm thời thực tế đã được chuẩn bị một bước từ Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) trong hai ngày 16 và 17/8/1945. Đại hội đã thông qua mười chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Lệnh tổng khởi nghĩa. Quốc dân Đại hội cũng đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thách thức. Vận mệnh của đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc” khi phía Bắc 20 vạn quân Tưởng lấy danh nghĩa quân đồng minh và theo gót là lực lượng phản động Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội ồ ạt kéo vào nước ta. Ở miền Nam, cũng với danh nghĩa quân Đồng minh, quân Anh vào giải giáp quân Nhật, núp sau quân Anh là quân Pháp âm mưu chiếm nước ta một lần nữa (ngày 23/9/1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai).
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời sau phiên họp Chính phủ đầu tiên (3/9/1945). Ảnh: Chinhphu.vn |
Ngày 28/8/1945, đứng trước yêu cầu cấp bách cần phải sớm ổn định tình hình, củng cố chính quyền cách mạng, củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được, theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ. Đây là Chính phủ đầu tiên của nhân dân Việt Nam dưới chế độ dân chủ cộng hòa.
Ra đời trong hoàn cảnh gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ lâm thời đã thể hiện vai trò là cơ quan Nhà nước quản lý và điều hành mọi công việc của đất nước. Điều này đã thể hiện ngay trong Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời ngày 28/8/1945: Nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Làm sao cho Chính phủ lâm thời tiêu biểu được Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi và đầy đủ. Bởi vậy, tuân theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó. Chính phủ lâm thời không phải là Chính phủ riêng của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh) như có người đã lầm tưởng; Cũng không phải là một Chính phủ chỉ bao gồm các đại biểu của các chính đảng. Nó thật là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách chỉ đạo trong toàn quốc. Đợi đến ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ dân chủ cộng hòa chính thức.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng vạn đồng bào, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với thế giới và toàn thể quốc dân đồng bào về nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới đã được thành lập, một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc đã mở ra, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã long trọng ra mắt quốc dân đồng bào.
Sáu nhiệm vụ cấp bách
Ngày 3/9/1945, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên, thảo luận và đề ra 6 vấn đề cấp bách do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra là: Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo; Mở chiến dịch chống nạn mù chữ; Tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ; Mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ thói hư tật xấu của chế độ thực dân để lại; Bỏ ngay 3 từ thuế là thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; Ra tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo.
Như vậy, từ trong cao trào Cách mạng tháng Tám, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, là thành quả của cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc. Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên, với 13 Bộ: Ngoại giao, Nội vụ, Thông tin - Tuyên truyền, Quốc phòng, Thanh niên, Kinh tế quốc gia, Cứu tế xã hội, Y tế, Tư pháp, Giao thông Công chính, Lao động, Tài chính, và Bộ Quốc gia giáo dục; bao gồm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, dưới sự đứng đầu của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh (kiêm Bộ trưởng Ngoại giao) đã đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của tình hình cách mạng lúc bấy giờ, nhằm bảo vệ, củng cố và phát triển thành quả của Cách mạng tháng Tám.
Ngay sau phiên họp đầu tiên, Chính phủ đã ra nhiều sắc lệnh để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách đã đặt ra như: Ngày 4/9/1945 ra Sắc lệnh tổ chức Quỹ Độc lập và Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam; phát động “Tuần lễ vàng” (17 đến 24/9/1945) đã quyên góp được 370 kg vàng và 40 triệu đồng cho Quỹ Quốc phòng và 20 triệu đồng cho Quỹ Độc lập. Ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân. Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để phụ trách việc chống nạn mù chữ trong cả nước. Chuẩn bị các bước cho Tổng tuyển cử, ngày 8/9/1945, Chính phủ đã ra sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội)...
Thực hiện Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc của Trung ương Đảng, ngày 31/12/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 78 - SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch Kiến quốc của Chính phủ. Ủy ban này gồm 41 thành viên đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ. Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết đất nước về mặt kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa và nghiên cứu những dự án kiến thiết khác.
Nhằm mở rộng hơn nữa khối đoàn kết toàn dân, ổn định tình hình bên trong để tập trung đối phó với bọn xâm lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời có sự tham gia của một số phần tử trong Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội, với điều kiện: Chính phủ này phải tổ chức tốt cuộc Tổng tuyển cử, thống nhất các lực lượng vũ trang và sẽ từ chức khi triệu tập Quốc dân đại hội. Ngày 1/1/1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã làm ra mắt trước hàng ngàn người dân Hà Nội.
Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra trên đất nước Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cử Quốc hội. Cử tri cả nước đã nô nức đi bỏ phiếu, bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử ở Hà Nội và đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nhất trí tuyên bố “Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng với Tổ quốc” và trao cho Người quyền thành lập Chính phủ mới - Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hiến pháp 1946).