Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết, tại phiên họp này, các đại biểu nghe Báo cáo bổ sung của Ủy ban Dân tộc về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 vùng dân tộc thiểu số, miền núi và kết quả thực hiện chính sách dân tộc quý I/2018, đề xuất công tác dân tộc trong giai đoạn tiếp theo. Phiên họp cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010 – 2017” của Hội đồng Dân tộc; Báo cáo hoạt động của Hội đồng Dân tộc từ Kỳ họp thứ 4 đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Các đại biểu thảo luận về các báo cáo phối hợp thẩm tra 6 dự án Luật gồm: dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), dự án Luật Trồng trọt, dự án Luật Chăn nuôi, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; cho ý kiến Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và Chương trình giám sát của Quốc hội về lĩnh vực dân tộc, miền núi do Hội đồng Dân tộc đề xuất.
Theo chương trình, Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Hội đồng Dân tộc diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 3-5/5/2018.
Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn rất cao Tại phiên họp sáng 3/5, các đại biểu đã thảo luận Báo cáo bổ sung của Ủy ban Dân tộc về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 vùng dân tộc thiểu số, miền núi và kết quả thực hiện chính sách dân tộc quý I/2018, đề xuất công tác dân tộc trong giai đoạn tiếp theo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, năm 2017, công tác dân tộc tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được đầu tư xây dựng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; hệ thống trường học, trạm y tế dần được chuẩn hóa; nguồn nhân lực là thanh niên dân tộc thiểu số được đào tạo có xu hướng tăng hàng năm, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến chỉ rõ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng gặp nhiều khó khăn nhất của đất nước, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số vẫn còn rất cao: 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm gần 14,2% dân số của cả nước nhưng lại chiếm tới 51,86% tổng số người nghèo; kết quả giảm nghèo của các hộ dân tộc thiểu số chưa thật sự bền vững. Bên cạnh đó, số hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất vẫn còn nhiều, một số lượng lớn các hộ dân tộc thiểu số thuộc diện bị thu hồi, tái định cư do thực hiện các dự án quy hoạch phát triển đô thị, công trình thủy điện… có nhu cầu cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Trong khi đó, chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự đồng bộ, có xu hướng coi trọng mục tiêu xã hội trước mắt mà coi nhẹ việc bảo vệ, phát triển rừng.
Về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc do Ủy ban Dân tộc quản lý, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, năm 2018, Ủy ban Dân tộc triển khai thực hiện 15 chương trình, chính sách; trong đó có 9 chương trình, chính sách được ngân sách Trung ương hỗ trợ, 6 chính sách do ngân sách địa phương tự cân đối, bố trí thực hiện. Tuy nhiên, nguồn lực ngân sách Trung ương bố trí còn thấp so với kế hoạch, nhu cầu vốn; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan chưa thống nhất trong việc cân đối cho các địa phương để thực hiện chính sách dân tộc; bộ máy tổ chức và năng lực cán bộ thuộc cơ quan công tác dân tộc còn nhiều bất cập,...
Coi trọng công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Hội đồng Dân tộc đánh giá, hiện nay có nhiều chính sách tín dụng được thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhưng mức cho vay tối đa từng chương trình nhìn chung còn thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế, không đủ đầu tư sản xuất kinh doanh khi có biến động về giá cả thị trường. Hiệu quả phối hợp giữa hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp với hoạt động tín dụng chính sách chưa cao, dẫn đến việc sử dụng vốn vay kém hiệu quả. Ngoài ra, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; các chính sách cho người dạy, người học vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn một số hạn chế, bất cập về đối tượng, định mức, thời gian hưởng, phương thức hỗ trợ…
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, chính sách dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm rất đặc biệt vì đây là vấn đề chiến lược. Nhấn mạnh Báo cáo của Chính phủ đã nêu toàn diện các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, điều kiện sống của đồng bào các dân tộc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, trách nhiệm của các địa phương trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của Trung ương… Bên cạnh đó, công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc đã chọn đúng, chọn trúng những vấn đề bức xúc của đồng bào các dân tộc, đóng góp ý kiến để sửa luật, hoạch định chính sách.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương coi trọng công tác giám sát của Quốc hội, giám sát của Hội đồng Dân tộc đặc biệt các chính sách về ngân sách, đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số; sơ kết các lĩnh vực liên quan đến chính sách đầu tư, phát triển dân tộc miền núi; quan tâm đến tình hình an ninh vùng đồng bào dân tộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.