Tại các buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ lo ngại về tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm, manh động; tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy với quy mô, số lượng lớn diễn ra nhiều… mà nguyên nhân phần lớn từ người nghiện ma túy gây ra, tạo tâm lý bất an trong nhân dân.
Cử tri cũng lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện, nhất là ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra. Việc điều chỉnh giá điện, giá xăng trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cử tri Đinh Văn Gần ở xã Phước Hậu, huyện Long Hồ, cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đóng góp hơn 60% nông sản cho cả nước, tuy nhiên việc phát triển nông nghiệp của vùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Giá mặt hàng nông sản, thủy sản không ổn định, bấp bênh với tình trạng “được mùa mất giá” gây khó khăn cho nông dân. Bên cạnh đó, kết quả liên kết vùng trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, tình trạng mỗi tỉnh một cách làm nên chưa tạo được hiệu quả tổng hợp.
Thời gian tới, Nhà nước cần có những giải pháp, chính sách hỗ trợ để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, thủy sản của vùng, từ đó nâng cao đời sống cho nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế của vùng phát triển.
Góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), cử tri cũng đề nghị Quốc hội nên nghiên cứu phân loại theo các nhóm ngành nghề, công việc khác nhau để tăng tuổi nghỉ hưu cho phù hợp. Cùng với đó là nâng thời gian nghỉ chế độ thai sản đối với công nhân lao động nữ.
Tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã thông tin khái quát với cử tri về tình hình kinh tế-xã hội của cả nước trong 5 tháng đầu năm 2019 với những tín hiệu tích cực. Trong đó, Việt Nam duy trì được tăng trưởng kinh tế khoảng 7%; giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trên 100 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài với số dự án tăng 27% và số vốn tăng 80%; du lịch thu hút gần 8 triệu lượt khách quốc tế.
Liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế-xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, năm 2018, Việt Nam đạt tăng trưởng 7,08%, mức tăng trưởng cao nhất trong 11 năm qua.
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng 7,8%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước và cao nhất trong 4 năm trở lại đây; kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt 15,7 tỷ USD. Mặc dù có tiềm năng, lợi thế lớn về nông nghiệp nhưng vùng vẫn chưa phát triển nhanh so với các vùng kinh tế khác trong cả nước.
Để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ hứa sẽ cân đối ngân sách ưu tiên cho vùng với nguồn vốn 45.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2026. Đây sẽ là cơ sở để hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long tăng tốc phát triển trong thời gian tới.
Ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri về tình trạng ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng Bộ Công an, các ngành chức năng, địa phương trong thời gian tới cần tập trung thực hiện những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa trong đấu tranh, trấn áp loại tội phạm này.