Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu hội trường UBND tỉnh An Giang có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang và Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình.
Tại buổi tiếp xúc, các đại biểu đã thông tin nhanh tới cử tri kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri.
Hội nghị đã nhận được 11 ý kiến của cử tri tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh liên quan đến các vấn đề như: Chất lượng việc dạy và học trực tuyến hiện nay còn nhiều băn khoăn, thiếu sự tương tác giữa học sinh và giáo viên, học sinh thiếu thiết bị để học trực tuyến, thiếu sự đồng bộ về sách giáo khoa; giá cả phân bón, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp liên tục tăng cao, Chính phủ cần sớm có giải pháp để bình ổn thị trường; cần đầu tư nhiều hơn nữa cho Y tế dự phòng, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; vấn đề việc làm cho lao động nông thôn, nhất là số lao động “hồi hương” do dịch COVID-19; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh còn nhiều phức tạp, nhất là sự gia tăng của tội phạm liên quan đến buôn lậu, ma túy thời gian gần đây…
Cử tri Võ Văn Nghĩa (phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên) nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân, nhưng thời gian gần đây, giá cả các loại phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp liên tục tăng cao, thậm chí tăng hơn 2,5 lần so với đầu vụ Hè Thu năm 2021, làm tăng chi phí sản xuất, giảm thu nhập của người nông dân.
Do đó, Chính phủ cần có giải pháp để bình ổn thị trường phân bón và các vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích và giúp người nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, chất lượng phân bón không đúng như quảng cáo, giới thiệu trên bao bì, đề nghị các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng này, nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các nhà sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng.
Lo ngại về chất lượng giáo dục bằng hình thức dạy và học trực tuyến hiện nay, nhất là đối với học sinh bậc Tiểu học, Trung học cơ sở, cử tri Trương Phước Công (huyện Chợ Mới) băn khoăn, trong điều kiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, học sinh chưa thể trở lại trường, nhiều em gặp khó khăn vì không có dụng cụ học trực tuyến, đường truyền không ổn định, thiếu tính tương tác giữa học sinh và giáo viên, không phát huy được phẩm chất, năng lực của giáo viên và học sinh, nên chất lượng dạy và học không cao. Cử tri Trương Phước Công đề nghị tỉnh và Chính phủ đẩy nhanh “bao phủ” vaccine để học sinh sớm được trở lại trường; đồng thời, có cơ chế phù hợp nhằm thực hiện giảng dạy phù hợp tình hình mới, tổ chức đánh giá lại chất lượng của việc học trực tuyến, để có kế hoạch dạy phụ đạo cho học sinh còn yếu, kém…
Đồng tình với những ý kiến đã phát biểu trước đó, cử tri Võ Văn Thì (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn) đề nghị Chính phủ và tỉnh quan tâm hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh nghèo, học sinh ở vùng sâu, vùng khó khăn như huyện Tri Tôn. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quan điểm, hướng dẫn thực hiện thống nhất đối với vấn đề sách giáo khoa, nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài, tiết kiệm cho phụ huynh học sinh…
Trước tình trạng gia tăng các loại tội phạm liên quan đến buôn lậu, ma túy thời gian gần đây, cử tri Trần Văn Thành (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) đề nghị các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là đối với hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và tội phạm liên quan đến ma túy...
Liên quan đến vấn đề việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn nhất là hơn 80.000 lao động từ các địa phương khác trở về An Giang từ đầu tháng 10/2021 đến nay, cử tri Trần Văn Thành (thành phố Châu Đốc) đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ lao động nông thôn chuyển đổi nghề; địa phương tăng cường thu hút đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn, theo phương châm “ ly nông, bất ly hương”.
Cử tri Huỳnh An Khước (huyện Châu Phú) khẳng định Y tế dự phòng, nhất là tuyến cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị bước đầu cho người dân mắc COVID-19; giảm tình trạng bệnh tiến triển nặng phải chuyển lên tuyến trên… , việc đầu tư cho Y tế dự phòng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế cho nhân dân.
Theo đó, cử tri Huỳnh An Khước đề nghị thời gian tới tăng cường đầu tư cho Y tế dự phòng, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhằm phục vụ và chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự linh hoạt và quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân An Giang trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua; An Giang đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, linh hoạt các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời gian tới.
Đối với các nhóm vấn đề các cử tri tại các địa phương đề ra như: các dự án hạ tầng giao thông, công tác phòng chống dịch, chăm lo cho giáo dục… cho thấy sự kỳ vọng chính đáng của cử tri. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận những kiến nghị và sẽ có những kiến nghị, ý kiến đến các bộ, ngành liên quan đầy đủ và phù hợp nhất.
Chi sẻ với những khó khăn tỉnh đang gặp phải, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mong muốn An Giang tiếp tục quan tâm đối với những kiến nghị sát đáng của của cử tri thuộc thẩm quyền của địa phương để đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị An Giang cần có sự vận dụng pháp luật linh hoạt, phù hợp để xử lý các vấn đề phát sinh trong xã hội; quan tâm đến vấn đề thực thi pháp luật nghiêm minh hiệu quả trên địa bàn, tạo lòng tin đối với nhân dân.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tác động nặng nề đến đời sống xã hội của An Giang và cả nước nói chung, tỉnh cần xác định sống chung với môi trường có COVID-19 theo tiêu chí an toàn, thận trọng, không lo sợ, không chủ quan; tiếp tục tuyên truyền người dân hiểu được tình hình dịch, hướng dẫn người dân thực hiện các chiến lược phòng dịch kết hợp với các chính sách ổn định, phục hồi kinh tế.
Phó Chủ tịch nước cho rằng, dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội để An Giang tiếp tục phát triển, cho nên thời gian tới An Giang tiếp tục đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh thực hiện các quyết sách lớn, lối đi mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Đặc biệt, An Giang cần cụ thể hóa chiến lược "Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế" thành các nhiệm vụ, mục tiêu nhỏ theo thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện; đẩy nhanh việc thực hiện các dự án, công trình lớn đã được khởi công, có chủ trương đầu tư trên địa bàn nhằm tạo đà cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo điều kiện thu hút đầu tư...; tiếp tục quan tâm công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị để lãnh, chỉ đạo thực hiện thành công các nhiệm vụ.