Tham dự hội nghị có đại biểu các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh khách mời là Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Cà Mau, thành phố Cần Thơ…
Với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp của Thường trực HĐND trong việc giải quyết các vấn đề của người dân địa phương trong lĩnh vực kinh tế - xã hội”, các đại biểu đã tập trung vào những nội dung chính là kinh nghiệm của HĐND trong giải quyết một số vấn đề bức xúc của người dân địa phương trong một số lĩnh vực đất đai, quy hoạch, tài nguyên môi trường; Kinh nghiệm trong việc xác định vấn đề được người dân quan tâm để tăng cường giám sát; Các hình thức Thường trực HĐND đẩy mạnh giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội địa phương.
Nhiều ý kiến tham luận, thảo luận có giá trị đã được đại biểu các tỉnh, thành phố trình bày trong hội nghị như tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với tham luận “Kinh nghiệm và giải pháp trong giải quyết một số vấn đề bức xúc của người dân địa phương trên lĩnh vực đất đai”; Thành phố Hồ Chí Minh với tham luận “Tăng cường hoạt động giám sát của HĐND thành phố để giải quyết những bức xúc của người dân trên lĩnh vực quy hoạch”; tỉnh Lâm Đồng với “Kinh nghiệm và giải pháp để giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng”…
Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, đã nêu lên kinh nghiệm về hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân khi có đơn thư gửi tới…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan và có các đề xuất cụ thể để khắc phục.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Để giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đạt kết quả cao, đáp ứng sự kỳ vọng của các cử tri, HĐND cần bám sát đặc điểm, điều kiện đặc thù của địa phương, thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Các chủ trương, chính sách của HĐND khi ban hành phải đúng và trúng vấn đề đã được cử tri và nhân dân quan tâm. Đối với các nội dung đang giải quyết, cần yêu cầu UBND chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện, nhất là những vấn đề có nhiều bức xúc, có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động đến nhiều người và các kiến nghị đã xác định mốc thời gian cụ thể, để góp phần bảo đảm an ninh trật tự, ổn định tình hình…
Phó Chủ tịch cũng lưu ý HĐND các tỉnh, thành phố cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử trong việc giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là các đại biểu HĐND chuyên trách.
Đại biểu HĐND phải thường xuyên tiếp dân, tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến và theo đến cùng các vụ việc bức xúc để xứng đáng là cầu nối quan trọng của cử tri với chính quyền.
Cùng với đó, mỗi đại biểu HĐND phải thường xuyên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và hiểu biết của mình để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của người đại biểu dân cử.