Ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc đảm bảo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh; ưu tiên nguồn lực triển khai chính sách xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Theo đó, Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, mạnh mẽ để chấn chỉnh tình trạng mất an toàn cháy nổ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với việc đảm bảo công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, kỹ năng của nhân dân về công tác này. Cơ bản hơn là sửa đổi Luật Phòng cháy chữa cháy trình Quốc hội...
Các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em; tăng cường phối hợp liên ngành trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng; đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo Nghị quyết số 42-NQ/TW; triển khai có hiệu quả chính sách với người có công, các Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách giảm nghèo. Mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế toàn dân và dịch vụ y tế.
Xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà ở với người có công, đồng bào các dân tộc thiểu số, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập thấp, công nhân…, gắn chỉ tiêu về phát triển nhà ở xã hội vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, địa phương. Ban hành Nghị định về nhà ở xã hội trong tháng 6/2024 theo hướng đơn giản hóa thủ tục, điều kiện, cơ chế ưu đãi đầu tư, tiêu chí tiếp cận nhà ở xã hội. Nghiên cứu thành lập Quỹ về phát triển nhà ở xã hội với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội.
Trước biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường vàng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường vàng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm; chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định về hóa đơn điện tử có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế…
Từ ngày 3/6/2024, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bán vàng thông qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại nhà nước và công ty SJC, đã giảm chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới, từng bước tiệm cận với giá vàng thế giới. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của nhà nước hiệu quả, hiệu lực, kịp thời. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP phù hợp với bối cảnh tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam
Nhấn mạnh việc đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng ngành Du lịch bền vững dựa trên thế mạnh tài nguyên tự nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ trước khó khăn, hạn chế đang là rào cản đối với phát triển văn hóa; mong muốn Quốc hội tiếp tục quan tâm, sớm quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035 và đến năm 2045.
Chính phủ đã và đang ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, coi đây là lĩnh vực kinh tế quan trọng. Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các ngành văn hóa, thể thao...
Với quan điểm: "Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế-xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn", Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82 về phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08 chỉ đạo cụ thể bộ, ngành, địa phương, tập đoàn doanh nghiệp giải quyết khâu yếu mà đại biểu chỉ ra là liên kết ngành, liên kết vùng và địa phương để tạo ra động lực mới, sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; thúc đẩy liên kết giữa các ngành dịch vụ với du lịch (vận tải - lưu trú - tiêu dùng - y tế - giáo dục - sự kiện - thể thao), gắn phát triển du lịch với văn hóa, đời sống; tăng cường truyền thông, quảng bá du lịch ra nước ngoài; tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh; đẩy mạnh chuyển đổi số (đặt phòng, dịch vụ, visa điện tử, quảng bá, thanh toán); liên kết tour - tuyến, phát triển các tuyến du lịch theo chuỗi điểm đến phong phú...
Không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống
Đối với mở rộng thị trường, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, phát huy vai trò hệ thống cơ quan đại diện ở nước ngoài để mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường theo các FTA đã ký. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do với Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)... và các thị trường mà hàng hóa Việt Nam có lợi thế.
Phát triển mạnh thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, thực hiện tốt cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Rà soát các quy định pháp luật liên quan để sửa đổi đồng bộ, theo hướng bổ sung tiêu chí, chế tài quản lý, xử lý vi phạm trong thương mại điện tử; chú trọng đảm bảo an toàn hệ thống, an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân; kết nối dữ liệu giao dịch giữa các cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư để định danh các trang thương mại điện tử. Nghiên cứu phương án thành lập tổ chức giám sát và xây dựng hệ thống giám sát giao dịch thương mại điện tử liên ngành và trực tuyến; khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển các nền tảng thương mại trực tuyến của Việt Nam tích hợp các gói dịch vụ có liên quan, bảo đảm cải cách thủ tục hành chính.
Triển khai hiệu quả Quy hoạch, Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới về điện như mua bán điện trực tiếp, hướng tới thị trường bán lẻ điện cạnh cạnh tranh, khuyến khích người dân tham gia lắp đặt điện mặt trời áp mái. Bảo đảm an ninh năng lượng, không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống, bảo đảm dự trữ quốc gia đối với các mặt hàng thiết yếu này.
Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi như công nghiệp năng lượng tái tạo; công nghiệp đường sắt cao tốc; khai thác, chế biến một số loại khoáng sản chiến lược; nghiên cứu phát triển, ứng dụng vật liệu mới; công nghiệp chip bán dẫn; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp nội dung số, dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao...
Chú trọng phân loại rác tại nguồn
Tập trung giải quyết các thách thức về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020 trong quản lý môi trường lưu vực sông; xử lý, kiểm soát chặt nguồn thải; xây dựng và triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông... Chú trọng phân loại rác tại nguồn, tăng cường xử lý, tái chế, tái sử dụng rác thải, biến rác thải thành tài nguyên. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, công nghệ xử lý chất thải...
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Y tế rà soát, cụ thể hơn hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với rác thải y tế, đặc biệt là đối với các cơ sở y tế nhỏ, phòng khám; quy định cơ chế tài chính để chính quyền cấp xã, phường có đủ nguồn lực xử lý chất thải nguy hại.
Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển , ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp, hiệu quả để từng bước khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún bằng các biện pháp công trình, phi công trình với cách tiếp cận tổng thể, tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đồng thời sửa đổi Luật Địa chất khoảng sản để đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường nỗ lực nội sinh để giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giải pháp đặc biệt quan trọng để tháo gỡ vướng mắc hiện nay
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề vướng mắc đặt ra từ thực tiễn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung cao độ để hoàn thành việc xây dựng các văn bản dưới Luật của các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Đến nay, các văn bản quy định chi tiết đã đủ điều kiện ban hành. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này Luật sửa đổi điều khoản thi hành cho phép các Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng); xem xét Thông qua các Nghị quyết về: thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở; phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 Dự án Luật sửa đổi đổi các Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Thuế.
"Đây là những giải pháp đặc biệt quan trọng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Chính phủ mong muốn được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ủng hộ để góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2012-2025", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.