Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Đại sứ Cao Trần Quốc Hải nhận định tuy xa cách về địa lý nhưng với sự tương đồng về lịch sử phát triển và sự tôn trọng, tin cậy dành cho nhau, Việt Nam và Israel đã đạt được những thành tựu hợp tác lớn cả về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, thương mại, khoa học công - nghệ, đào tạo, du lịch...
Quan hệ chính trị ngày càng được củng cố và tăng cường thông qua các hoạt động trao đổi đoàn các cấp thường xuyên giữa hai nước, đặc biệt là chuyến thăm của Tổng thống Israel Reuven Rivlin và của Tổng thống Israel Shimon Peres tới Việt Nam hồi năm 2017 và năm 2011.
Về kinh tế, Israel hiện là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông với kim ngạch thương mại song phương trong 3 năm gần đây đều đạt trung bình trên 1 tỷ USD. Hiện nay, nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như điện thoại, cà phê, hạt điều nguyên liệu và chế biến, giày dép và may mặc đang chiếm thị phần khá lớn tại Israel (ước khoảng từ 10-20%), cá ngừ Việt Nam nằm trong tốp 3 nhà xuất khẩu cá ngừ chế biến tại thị trường Israel.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hằng năm Việt Nam có khoảng trên 700 tu nghiệp sinh đến học tập và lao động tại Israel, con số cao nhất trong số các nước đang cử tu nghiệp sinh tại nước này. Ngoài chương trình tu nghiệp sinh, hằng năm, phía Israel còn cung cấp cho Việt Nam hàng trăm học bổng ngắn hạn để Việt Nam cử cán bộ, chuyên gia tham gia các khóa đào tạo do Israel tổ chức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, lãnh đạo, bình đẳng giới… góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng và nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Hiện nhiều tập đoàn, công ty của Việt Nam đã nhập khẩu công nghệ cao của Israel để phát triển những dự án nông nghiệp quy mô lớn tại Việt Nam.
Đơn cử như dự án hợp tác trồng rau sạch trong nhà kính tại Vĩnh Phúc và nhiều tỉnh khác của Công ty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup, sử dụng công nghệ cao của Israel; dự án của Tập đoàn TH True Milk đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa có quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại Nghĩa Đàn - Nghệ An; thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp đang áp dụng công nghệ của Israel để sản xuất giống cá rô phi đỏ đơn tính và giống tôm càng xanh đơn tính toàn đực...
Hợp tác du lịch giữa hai nước cũng tăng trưởng khả quan qua các năm. Tính riêng trong năm 2017, lượng du khách Israel đến Việt Nam đạt khoảng 25.000 lượt người và Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của các khách lữ hành Israel vì phong cảnh đẹp, ẩm thực ngon và lòng mến khách của người dân Việt Nam. Các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban Liên chính phủ và Tham vấn chính trị giữa hai nước được triển khai đều đặn, hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong việc rà soát và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Israel.
Đại sứ Cao Trần Quốc Hải khẳng định Việt Nam - Israel đang bước vào “giai đoạn vàng” của mối quan hệ với rất nhiều thuận lợi khi hai nước đều coi nhau là đối tác bạn bè, tin cậy, nền kinh tế hai nước cũng đạt tăng trưởng tốt trong những năm qua và có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau. Kim ngạch trao đổi thương mại song phương trong những năm gần đây đạt mức tăng trưởng khá, song vẫn chưa tương xứng với thực lực và mức độ quan hệ của hai nước.
Việt Nam - Israel có cơ hội để phấn đấu đạt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên 3 tỷ USD trong những năm tới. Song song với việc cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA), hai bên cần tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh tại cả Việt Nam và Israel.
Ngoài ra, Israel là quốc gia có nhu cầu về sử dụng lao động nước ngoài rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, xây dựng, nhà hàng... trong khi Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, chăm chỉ, được đào tạo tốt. Việc hai nước chưa có hiệp định hợp tác lao động song phương khiến cho việc đưa lao động Việt Nam sang Israel làm việc đã tạm bị gián đoạn kể từ năm 2015. Thời gian tới, hai nước cần thúc đẩy nhằm sớm khởi động đàm phán về Hiệp định hợp tác lao động song phương để có thể đưa lao động của Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Israel. Ngoài ra, hai nước cũng có thể xem xét mở đường bay thẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của các doanh nhân và người du lịch.
Theo Đại sứ Cao Trần Quốc Hải, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Israel Reuven Rivlin tháng 3/2017, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí đưa kinh tế và khoa học công nghệ trở thành ưu tiên trọng tâm trong hợp tác song phương và đây sẽ tiếp tục là các trụ cột trong hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Điều quan trọng đối với hai nước là phải biến những quyết tâm và cam kết chính trị trở thành những kết quả hợp tác cụ thể, tương xứng với tiềm năng của hai nước. Trong thời gian tới, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư... song phương sẽ được hưởng lợi rất lớn từ việc kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa hai nước.
Bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Israel sẽ ngày càng trở nên cần thiết và có nhiều tiềm năng. Hai nước có có thể hợp tác về khoa học công nghệ trong rất nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Israel có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, quản lý nước, giáo dục - đào tạo, viễn thông, an ninh mạng, thành phố thông minh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…
Đại sứ Cao Trần Quốc Hải nhấn mạnh 25 năm qua đã đánh dấu chặng đường quan trọng trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Israel, nhưng tất cả những kết quả đạt được mới chỉ là những bước khởi đầu. Đại sứ bày tỏ sự tin tưởng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel sẽ ngày càng được củng cố và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu mới hiệu quả, thiết thực, vì lợi ích của nhân dân hai nước.