Theo đó, Quảng Ngãi thực hiện tuyên truyền từ trực quan sinh động đến hệ thống truyền thanh, qua thiết bị Icom, loa cầm tay, tuyên truyền miệng… Trong đó, điển hình là hình thức tuyên truyền thông qua hệ thống Icom để đưa các nội dung kết nối đến các ngư dân đang đánh bắt xa bờ, đặc biệt là ngư dân đang ở hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Tùy theo từng địa phương mà thông tin về bầu cử đến với ngư dân đang đánh bắt xa bờ vào những thời điểm khác nhau. Có Nghiệp đoàn nghề cá nối máy Icom với ngư dân vào 8 giờ 30 phút và 16 giờ hàng ngày, có đơn vị phát từ 20 giờ hàng ngày, có đơn vị thì chọn vào thời điểm khoảng 13 giờ 30 phút.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (huyện Lý Sơn) cho biết: Từ đầu tháng 4 đến nay, bắt đầu từ 18 giờ 30 - 20 giờ mỗi ngày, thông qua hệ thống Icom, chúng tôi tuyên truyền phổ biến cho các ngư dân những thông tin về cuộc bầu cử để họ xác định rõ trách nhiệm của mình, sắp xếp thời gian cập bến trước ngày bầu cử để thực hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri. Hiện Lý Sơn còn 20 tàu cá đang đánh bắt ngoài khơi xa, trong 2 ngày tới có 12 chiếc tàu về bờ, 8 tàu còn lại sẽ về trước ngày 23/5 tới để tham gia bầu cử.
Huyện Lý Sơn có 15.364 cử tri đủ điều kiện tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021- 2026. Trong số này, cử tri là ngư dân đang tham gia đánh bắt hải sản xa bờ chiếm khoảng 15%. Để ngư dân đang đánh bắt xa bờ sắp xếp thời gian về đất liền tham gia bỏ phiếu, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền theo nhiều hình thức, trong đó chú trọng tuyên truyền lưu động tại cảng cá, khu vực neo trú tàu, thuyền và thông qua Icom.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng phổ biến các nội dung liên quan đến bầu cử trên hệ thống loa truyền thanh các xã. Đài truyền thanh xã chủ động tuyên truyền, phổ biến đến người dân các nội dung liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo chủ trương, chính sách và hướng dẫn của địa phương cũng như cấp trên. Hình thức tuyên truyền bằng xe lưu động, loa tay cũng được đẩy mạnh thực hiện, đặc biệt là tại các điểm khu dân cư, nơi loa phát thanh không tới được.
Các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi chủ động thực hiện công tác tuyền truyền bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số như tiếng Hre, Cor, CaDong… Với đặc thù ở vùng cao, ban ngày bà con thường đi lên núi làm rẫy nên các thành viên trong tổ bầu cử phân công nhau đến từng nhà vào buổi tối để tuyên truyền, nói chuyện giúp đồng bào hiểu về cuộc bầu cử và tích cực tham gia.
Tại huyện Sơn Hà có hơn 55.200 cử tri được niêm yết danh sách, trong đó có hơn 70% cử tri là đồng bào dân tộc H’re. Để đưa những thông tin cơ bản nhất về bầu cử đến với bà con, huyện Sơn Hà đã soạn thảo nội dung tuyên truyền bầu cử thật dễ hiểu, được biên dịch và trình bày bằng tiếng H’re. Hàng ngày, Trung tâm truyền thông văn hóa huyện phát nội dung liên quan đến công tác bầu cử bằng tiếng Hrê với thời lượng từ 45-60 phút/lần.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng triển khai nhiều hình thức tuyên truyền như lắp đặt pa-nô, áp-phích tại các điểm công cộng, soạn thảo các file âm thanh phát trên sóng phát thanh và loa di động đến tận các khu dân cư. Nhờ vậy, người dân dễ dàng nắm được thông tin về cuộc bầu cử, hiểu hơn về vai trò, trách nhiệm của mỗi cử tri trong cuộc bầu cử.
Nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỉnh Quảng Ngãi được bầu 7 đại biểu Quốc hội, 53 đại biểu HĐND tỉnh, 416 đại biểu HĐND cấp huyện và 3.990 đại biểu HĐND cấp xã. Toàn tỉnh có 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, 19 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 144 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và 1.145 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. UBND cấp huyện đã phê chuẩn 1.182 khu vực bỏ phiếu và UBND cấp xã đã quyết định thành lập 1.182 tổ bầu cử. Công tác lập và niêm yết danh sách cử tri; lập, công bố và niêm yết tiểu sử của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo từng đơn vị bầu cử hoàn thành đúng thời gian quy định.