Chia sẻ về Quy định 144, ông Nguyễn Văn Thư, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho rằng, Quy định ra đời trên cơ sở kế thừa, phát triển những quan điểm, tư tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ; về đạo đức cách mạng... Quy định được kết cấu chặt chẽ, nằm trong tính hệ thống, tổng thể các Quy định của Đảng liên quan đến cán bộ, đảng viên.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, hiện nay có rất nhiều yếu tố của nền kinh tế thị trường, đời sống xã hội tác động tiêu cực đến đội ngũ cán bộ, đảng viên như: Chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, tình trạng quan liêu, xa dân, sợ trách nhiệm... Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cũng vi phạm những điều đảng viên không được làm. Từ đó, đòi hỏi cần phải có một quy định chặt chẽ làm công cụ, thước đo về các tiêu chuẩn đạo đức, chuẩn mực. Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa; đồng thời để tổ chức, nhân dân có thể giám sát, đánh giá cán bộ, đảng viên...
Ông Nguyễn Văn Thư phân tích, trong các điều của Quy định 144 đã thể hiện đầy đủ yêu cầu tối thượng đối với mỗi cán bộ, đảng viên; đó là lòng yêu nước, tinh thần phụng sự Tổ quốc, nhân dân lên trên hết, trước hết. Đây là cái gốc của mọi việc, bởi chỉ khi người cán bộ đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết thì trong mọi việc làm, quyết định sẽ đảm bảo công tâm, khách quan và tạo được lòng tin của mọi người.
Hiện nay, bản lĩnh chính trị, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nếu người cán bộ không quyết liệt, không thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu thì khó có thể quy tụ, tập hợp, đoàn kết được quần chúng tham gia, nhất là những công việc mới, việc khó. Thực tế vẫn còn những cán bộ sợ trách nhiệm, cầu toàn, không dám làm, sợ sai, không thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Do đó, những nội dung cụ thể nêu trong Quy định 144 một lần nữa khẳng định vai trò, trách nhiệm gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên như nhân dân vẫn thường nói “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”...
Nghiên cứu Quy định 144, ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Nam Định tâm đắc nội dung tại Điều 3 của Quy định này. Bởi, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những chuẩn mực đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập đến trong các bài nói, bài viết của mình. Bác Hồ đã không ít lần nhấn mạnh, để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Ngoài việc làm rõ hơn các khái niệm: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, Quy định 144 đã đưa ra những yêu cầu, quy định cụ thể, phù hợp với giai đoạn hiện nay để có thể nhận diện, giám sát cán bộ, đảng viên trong đời sống, việc làm. Một trong những yêu cầu cao nhất đã được nêu ra đó là cán bộ, đảng viên trước tiên phải giữ mình trong sạch, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực, không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi... Đây là những yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên. Cùng với việc làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao, bản thân cán bộ, đảng viên không được để các mối quan hệ xã hội, gia đình... chi phối, ảnh hưởng đến công việc của cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phục trách...
Theo Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Nam Định, việc triển khai, quán triệt nội dung Quy định 144 tới cấp ủy, tổ chức Đảng và tất cả đảng viên sẽ trang bị một công cụ, thước đo để đánh giá chính xác cán bộ, đặc biệt là trong bối cảnh đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp. Để đạt được hiệu quả thiết thực, cấp ủy, tổ chức Đảng cần gắn Quy định 144 với việc thực thi công vụ, các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với từng ngành, nghề, vị trí công tác.
Triển khai Quy định 144, mỗi cán, bộ đảng viên phải thực hiện bằng được phương châm: Gần dân, trọng dân, lắng nghe nhân dân. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Mọi việc phải xuất phát từ lợi ích chung, đảm bảo đúng quy định, trên tinh thần công tâm, khách quan. Việc gì có lợi cho dân, cho nước, cho tổ chức, cơ quan, đơn vị thì nhất quyết làm, việc gì có hại thì hết sức tránh.