"Một họ” và “trăm họ”
Trong kho tàng thành ngữ tiếng Việt có câu “Một người làm quan, cả họ được nhờ” mang hàm ý tiêu cực - người làm to chỉ lo vun vén cho gia đình, dòng tộc của mình.
Hiện nay tình trạng “Một người làm quan, cả họ được nhờ” vẫn còn tồn tại với những biến tướng mới, trong đó có lợi ích nhóm vượt ra ngoài quan hệ huyết thống.
Phát biểu tại phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng vào ngày 13/3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban, nêu rõ: Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lợi ích nhóm. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự.
Tổng Bí thư cho biết, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý.
Đằng sau một số cán bộ bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thấp thoáng bóng dáng các doanh nghiệp làm ăn phi pháp. Ngược lại, đằng sau các doanh nhân sa lưới pháp luật có bóng dáng các vị cán bộ lãnh đạo các cấp. Điển hình là các vụ Vũ Nhôm, Việt Á, “Chuyến bay giải cứu”, AIC, Phúc Sơn, Thuận An…
Biểu hiện của việc cán bộ lãnh đạo sử dụng chức vụ để nâng đỡ người nhà, người thuộc phe cánh, người chịu “chung chi” là sự “thăng tiến thần tốc” của một số nhân vật thiếu cả đức lẫn tài, là sự “đấu thầu đâu thắng đó” của các doanh nghiệp yếu kém, là tình trạng “cả họ làm quan” ở địa phương, “hô biến” đất công thành đất tư, “thâu tóm đất vàng” tại các thành phố lớn, “chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiêp một cách khó hiểu” tại các vùng nông thôn… Khái niệm “cả họ được nhờ” còn bao hàm cả tình trạng thuộc cấp thân tín núp bóng “quan” để mưu lợi riêng, gây hại cho đất nước, cộng đồng.
Từ xa xưa thành ngữ “Một người làm quan, cả họ được nhờ” đã có một phiên bản khác - “Một người làm quan, trăm họ được nhờ”. Câu này có ý nghĩa đối nghịch với câu trước, tức một người nắm quyền cao chức trọng thì phải có nghĩa vụ chăm lo cho muôn dân.
Cùng “làm quan” nhưng lo được cho “trăm họ” hay chỉ chăm chăm bao bọc cho duy nhất “một họ” là tùy thuộc vào gốc rễ đạo đức của con người đó. Đất nước, nhân dân được cậy nhờ hay không là tùy thuộc vào việc cán bộ lãnh đạo đạt được sự liêm chính ở mức độ nào, có phẩm chất đạo đức cách mạng ra sao.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương vào ngày 3/1/2023, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải lựa chọn người thật sự liêm chính, vì nước, vì dân vào vị trí lãnh đạo. Cần làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước.
Yêu cầu xuyên suốt liên quan đến “tình thân”
Trong những năm gần đây, trước bối cảnh khách quan và tình hình nội tại, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên tục đưa ra các quy định nghiêm ngặt về đạo đức cách mạng, về sự liêm chính đối với cán bộ, đảng viên, tránh tình trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ”.
Trong Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4/8/2017, về Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Bộ Chính trị đặt ra 5 yêu cầu.
Một trong số đó là các cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống trung thực, liêm chính; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bè phái, lợi ích nhóm; không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
Tiếp đến, ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương ra Quy định số 08-QĐ/TW về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Theo đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải kiên quyết chống lại việc để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi; để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
Trong Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm có Điều 11: Can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi.
Điều 17: Can thiệp, tác động để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng), bản thân và người khác đi du lịch, học tập, chữa bệnh bằng nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ngành, lĩnh vực theo dõi, quản lý.
Về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Bộ Chính trị ra Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023.
Theo đó, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được quy định là dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, đề xuất, bỏ phiếu bầu theo ý mình; để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động vào các khâu trong công tác cán bộ.
Mới đây nhất, ngày 9/5/2024, trong Quy định số 144-QĐ/TW về Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu cao lòng tự trọng, danh dự; không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi.
Như vậy, những quy định về việc không để người thân lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình để tư lợi đã được nêu rất cụ thể, xuyên suốt và ngày càng được bổ sung hoàn thiện. Mỗi cán bộ, đảng viên cần lấy đó làm "gương soi" như một cách tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, góp phần làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh.