Nghiên cứu học tập gắn với thực tiễn
Là Đảng bộ thành lập đầu tiên trong cả nước, trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, đến nay Đảng bộ Hà Nội lớn mạnh, luôn xứng đáng dẫn đầu trong nhiều phong trào.
Trong những năm qua, Đảng bộ đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Những nhiệm kỳ gần đây, mỗi năm có khoảng từ 70 đến gần 100 đề tài và đề án được nghiên cứu trên các lĩnh vực của Thành phố. Các đề tài được tiến hành công phu, nghiêm túc và có chất lượng cao, là những công trình tổng kết lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đây là những vấn đề lý luận và thực tiễn của Thủ đô nói chung, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Hà Nội nói riêng đã đóng góp quan trọng trong việc tổng kết, nghiên cứu lý luận của Trung ương và xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc.
Xây dựng Đảng bộ vững mạnh về tổ chức
Công tác xây dựng đảng về tổ chức, cán bộ ở Đảng bộ Hà Nội trong 90 năm qua được thường xuyên chăm lo, sắp xếp sát thực tiễn. Với đặc thù là nơi tụ hội những cán bộ, đảng viên từ nhiều nơi về cùng chung sức xây đắp sự nghiệp cách mạng, yêu cầu đầu tiên đối với công tác tổ chức, cán bộ của Đảng bộ Hà Nội là chăm lo xây dựng, gìn giữ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ.
Đây cũng là truyền thống đặc biệt quý báu của Đảng bộ Hà Nội. Quá trình phát triển Thủ đô Hà Nội đã nhiều lần chia tách, sáp nhập, nhất là lần điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008, vấn đề đoàn kết trong Đảng bộ lại càng quan trọng. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đã được tiến hành chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, toàn diện, khoa học.
Khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã xây dựng đề án tinh gọn bộ máy đến tận cấp tổ dân phố, thôn, xóm. Sau khi sắp xếp, toàn Thành phố đã giảm 2.245 thôn, tổ dân phố và 402 Chi bộ, giảm gần một vạn người hoạt động không chuyên trách ở địa bàn dân cư.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, nhờ tập trung cao độ nên Hà Nội là một trong số địa phương đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức"; Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Tính đến năm 2020, Đảng bộ Thành phố có 50 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc giảm 9 đảng bộ so với đầu nhiệm kỳ); đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn hàng chục đơn vị, phòng ban; giảm 74/102 ban chỉ đạo thuộc UBND Thành phố. Sắp xếp các phòng ban chuyên môn thuộc các sở, ngành giảm từ 204 phòng xuống 159 phòng, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng.
Thành phố đã sắp xếp 5 Ban Quản lý dự án (từ 26 Ban), giảm 73/108 phòng (67,6%), giảm hàng trăm trưởng, phó đơn vị và trưởng và hàng trăm biên chế. Tại các quận, huyện, thị xã, đã thực hiện triệt để việc sáp nhập, giảm đầu mối quản lý theo đúng chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy; sau sắp xếp, giảm được 128 đầu mối đơn vị trực thuộc. Toàn Thành phố đã tinh giản được 2.108 biên chế, trong đó, khối cơ quan đảng, đoàn thể giảm 57 biên chế, khối cơ quan chính quyền giảm 1.492 biên chế.
Công tác cán bộ được Thành ủy xác định giữ vị trí then chốt của then chốt, là khâu đột phá để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chỉ tính trong 10 năm gần đây, Đảng bộ Hà Nội đã tiến hành công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với nhiều giải pháp căn cơ, phù hợp với thực tiễn của thành phố: Xây dựng Đề án số 07 đào tạo 1.250 cán bộ nguồn làm công tác Đảng và cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn; Đề án số 04 về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; ban hành Quy định tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo; sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Trong 10 năm mở rộng địa giới hành chính, có 3.597 cán bộ được đào tạo cao cấp lý luận chính trị, 19.824 cán bộ được đào tạo trung cấp lý luận, 1.243 cán bộ được cử đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài.
Những nỗ lực trong công tác tổ chức, cán bộ đã đem lại kết quả tích cực: Khi mới mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội chỉ có 80% cán bộ chủ chốt phường, thị trấn và 30-50% cán bộ chủ chốt xã đạt trình độ đại học; đến nay, 93,7% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ chuyên môn đại học trở lên và 98,9% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.
100% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đạt trình độ chuyên môn đại học, trong đó có 42,9% trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; 99,1% trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị.
Bên cạnh việc sắp xếp cho hiệu quả, trong nhiệm kỳ Đại hội XVI, Thành ủy đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra đối với 209 tổ chức đảng trực thuộc. Ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Thành phố đã kiểm tra 1.089 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó, có 577 trường hợp là cấp ủy viên các cấp. Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.432 đảng viên, trong đó có 484 cấp ủy viên các cấp. Cùng với xử lý kỷ luật về Đảng, có 62 đảng viên bị xử lý hành chính, 322 đảng viên bị truy tố trước pháp luật, trong đó có 232 trường hợp bị phạt tù…
Hạn chế cần khắc phục
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, Hà Nội cũng đã đánh giá nhìn nhận khách quan về một số hạn chế cần rút kinh nghiệm.
Theo bà Ngô Thị Thanh Hằng thì trong nhiều mặt hạn chế, đáng kể nhất là vai trò hạt nhân chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng còn yếu; chất lượng sinh hoạt, tự phê bình và phê bình của một số chi bộ, đảng bộ và đảng viên còn hạn chế. Nội dung và phương thức thực hiện công tác tư tưởng có lúc còn thiếu chiều sâu, thiếu đồng bộ, dẫn tới việc nắm bắt, dự báo và định hướng tư tưởng còn những hạn chế, nhất là trong việc đấu tranh kịp thời, hiệu quả với các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch trên internet và mạng xã hội…
Những hạn chế khuyết điểm nêu trên do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, song theo bà Ngô Thị Thanh Hằng thì nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, có việc chưa thật sâu sát, quyết liệt.
Một số địa phương, cơ quan, đơn vị, còn thiếu năng động, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn và sự chỉ đạo của thành phố. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc có việc chưa tốt. Tình trạng trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong xử lý công việc chưa được khắc phục triệt để; xem xét xử lý trách nhiệm còn thiếu kiên quyết. Phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo quản lý chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thực tiễn Hà Nội đặt ra.
Thành ủy Hà Nội cũng đã đề ra các phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ Hà Nội trong sạch, vững mạnh trong thời gian tới, trong đó: Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy các cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là những người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, trọng tâm là xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện kiên trì, quyết liệt, triệt để Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực hoạt động của Đảng bộ. Chủ động đấu tranh kiên quyết, kịp thời chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc, xấu độc của các thế lực thù địch, nhất là trên internet và mạng xã hội. Thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức".
Hà Nội đề ra quyết tâm xây dựng bộ máy hệ thống chính trị mạnh, luôn gương mẫu đi đầu, xứng đáng là Đảng bộ Thủ đô - trái tim của cả nước.