Chiều 12/11, thảo luận về Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, cần nâng độ tuổi gọi nhập ngũ để tuyển chọn được những người tài cho quân đội.Nhiều đối tượng sau khi học xong các chương trình dài 5 - 7 năm, muốn phục vụ trong quân đội lại bị luật khống chế, vì phần lớn đã hết độ tuổi nhập ngũ, khiến cho tỷ lệ công dân được gọi nhập ngũ có trình độ đại học trở lên rất thấp”, Trung tướng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nhận xét.
Đại biểu Nguyễn Văn Hưng (TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại tổ. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Trong khi, chúng ta đang từng bước hiện đại hóa quân sự, có nhiều thiết bị tối tân, đòi hỏi chiến sỹ phải có trình độ cao hơn. Do vậy, để đáp ứng được với tình hình mới, chúng ta nên kéo độ tuổi nhập ngũ lên 27, để thu hút thêm nhiều đối tượng có chất lượng cao cho quân đội”, đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) cũng chung nhận xét.
Bên cạnh đó, dự luật lần này cũng nâng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng. “Thời gian 24 tháng sẽ thuận lợi hơn cho địa phương trong công tác tuyển quân hàng năm, mỗi năm chỉ cần tuyển một lần, giảm thời gian và chi phí cho địa phương. Đồng thời, lực lượng này về địa phương đã có trình độ cao hơn, đỡ tốn kém cho địa phương huấn luyện nâng cao”, đại biểu Hoàng nói thêm.
Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) cũng đã thu hẹp đáng kể đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, chỉ các học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy mới được tạm hoãn.
“Quy định này sẽ khiến công tác tuyển quân được công bằng hơn. Vì trước đây, nhiều em viện cớ, chỉ học trung cấp, trường nghề… để không tham gia nghĩa vụ quan sự”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phát biểu.
“Việc thu hẹp diện được tạm hoãn này là để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đối với công dân đang học chương trình đào tạo đại học được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ nhằm tạo nguồn lực phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sau khi tốt nghiệp sẽ gọi nhập ngũ, như vậy quân đội sẽ bớt được chi phí đào tạo”, đại biểu Nguyễn Văn Hưng (TP Hồ Chí Minh) đồng tình ủng hộ.
Giảm thiểu rủi ro cho người lao động Cũng trong chiều 12/11, thảo luận về dự luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), đa số các đại biểu cho rằng, luật cần bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người lao động trong quá trình lao động sản xuất. Nhất là người lao động trong những lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, tăng trách nhiệm, chế độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… của người sử dụng lao động.
Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) dẫn chứng từ thực tế: “Mất an toàn lao đang động xảy ra chủ yếu đối với lực lượng lao động tự do, không có quan hệ lao động, họ cũng không có ý thức giữ gìn sức khỏe. Thực tế, xảy ra tai nạn lao động và chết ở lĩnh vực này rất nhiều”.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: “Cần quy định rõ quyền và trách nhiệm của các bên; phải bảo đảm mục tiêu quan trọng là phòng ngừa tai nạn lao động, khắc phục tổn thương về sức khỏe do lao động. Có những biện pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các nguyên nhân rủi ro trong môi trường làm việc. Các doanh nghiệp phải khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra sự cố nghiêm trọng, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để có biện pháp khắc phục sự cố và có chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động”.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần khuyến khích người lao động tham gia chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hình thức tự nguyện để hạn chế những rủi ro cho họ khi không may gặp tai nạn nghề nghiệp.
Giám sát và phản biện xã hội
Sáng 12/11, thảo luận về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm tới hai nội dung về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam (Chương V) và hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (Chương VI). Đối với hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam, so với Luật hiện hành, Chương V của dự thảo Luật quy định về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đã mở rộng hơn phạm vi giám sát, đối tượng giám sát nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù khoản 1 Điều 26 của dự thảo Luật khẳng định “Giám sát của MTTQ Việt Nam mang tính nhân dân, hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước...” nhưng đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát của MTTQ Việt Nam (Điều 27 và Điều 28) không có nhiều điểm khác so với giám sát của cơ quan dân cử và cũng chưa thể hiện sự “ hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước”.
Về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (Chương VI), các ý kiến cho rằng, việc thể chế hóa chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật là cần thiết.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc giám sát và phản biện xã hội của MTTQ nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ của nhân dân góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, do vậy không nên giới hạn MTTQ chỉ nhận xét, đánh giá… đối với dự thảo chính sách, pháp luật, chương trình, dự án mà cần phải phản biện cả khi chính sách, pháp luật, chương trình, dự án đã được ban hành, thực hiện nhưng còn hạn chế, bất cập. Quỳnh Hoa |
Hữu Vinh