Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã chia sẻ sự quan tâm về các nội dung liên quan đến dự thảo Nghị quyết.
Bày tỏ nhất trí với những cơ chế đưa ra trong dự thảo nghị quyết, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng để có thể áp dụng được những cơ chế đặc thù cho thành phố phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng bên cạnh việc cho phép Đà Nẵng thành lập khu thương mại tự do, cũng nên bổ sung cả khu tài chính tự do. Nếu thành lập khu thương mại - tài chính tự do sẽ thu hút được rất nhiều các nguồn lực tài chính cũng như có điều kiện thí điểm được nhiều cơ chế tài chính với Đà Nẵng và trên thực tế có rất nhiều các quốc gia đã thành công khi thành lập được khu tài chính tự do.
Đại biểu cho biết thêm, hiện nay có một số các doanh nghiệp đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam nhưng lại đăng ký thành lập ở nước ngoài, bởi vì những nước này có những cơ chế thu hút tài chính đặc biệt. “Chúng ta cũng nên bổ sung cơ chế này đối với thành phố Đà Nẵng để thu hút được nguồn tài chính và trong tương lai không xa, tôi hy vọng rằng nếu như chúng ta bổ sung cơ chế này, Đà Nẵng cũng sẽ sớm trở thành một trung tâm tài chính của Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung, bởi Đà Nẵng có đầy đủ các lợi thế để làm điều này”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.
Cũng bày tỏ sự quan tâm đến cơ chế đặc thù cho phép Đà Nẵng thành lập khu thương mại tự do, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) lưu ý đến công tác quản lý của Nhà nước và thanh tra, kiểm tra thường xuyên của hệ thống cơ quan quản lý như thế nào để đảm bảo khu thương mại tự do không trở thành nơi phát sinh ra những vấn đề về tội phạm. “Chúng ta phải lường trước nguy cơ sản xuất, chế tạo hàng cấm, hàng giả; rồi cách vận chuyển, trung chuyển thông thoáng có thể tạo ra một địa điểm trung chuyển ma túy hoặc các hàng hóa phạm pháp khác. Tôi cho rằng cần hết sức lưu ý những điều này khi thí điểm thực hiện khu thương mại tự do tại Đà Nẵng”, đại biểu nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên – Huế) cho biết, trong các cơ chế đặc thù dành cho Đà Nẵng cần phải đẩy mạnh hơn nữa nguồn đầu tư dành cho công nghệ cao. Theo đại biểu, việc Quốc hội xem xét thông qua bổ sung thêm các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy Đà Nẵng phát triển toàn diện, đặc biệt là phát triển về lĩnh vực công nghệ cao sẽ là cơ sở để thành phố này trở thành trung tâm công nghệ chế tạo, công nghệ phục vụ cho sự phát triển số của Việt Nam.
Đại biểu cũng đánh giá cao trong gói 30 chính sách đặc thù dành cho Đà Nẵng, có những chính sách rất cơ bản và chuyên sâu, toàn diện, phát triển khu công nghệ cao kết hợp với phát triển khu thương mại tự do. Từ đó, đại biểu kỳ vọng những trung tâm, khu công nghệ cao ở Đà Nẵng sẽ sớm được hình thành bằng những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là một số cơ chế, chính sách đặc thù sắp được Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo đại biểu, để hiện thực hóa sớm và nhanh những cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ và thành phố Đà Nẵng cần nghiên cứu sớm ban hành các văn bản thực hiện Nghị quyết.