Tạo điều kiện để người dân tham gia xây dựng luật

Góp ý vào dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết kế các hoạt động hoạch định chính sách thành một quy trình riêng trước khi bắt tay vào soạn thảo dự án luật, trong đó bảo đảm điều kiện để người dân tham gia vào hoạt động này.

Phải phân tích chính sách trước xây dựng luật

Mới đây, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đã công bố báo cáo về thực trạng hoạt động phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật ở Việt Nam. Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, TS Nguyễn Văn Cương cho biết, mặc dù nhóm nghiên cứu chỉ lựa chọn kiểm chứng Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; nhưng 4 luật này có tính đại diện cho một số lĩnh vực pháp luật nhất định được ban hành sau thời điểm Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 có hiệu lực.

“Trong nội dung của bản thuyết minh đề nghị xây dựng Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 phải nêu rõ sự cần thiết, đối tượng phạm vi điều chỉnh của văn bản, những quan điểm, chính sách cơ bản, báo cáo đánh giá tác động sơ bộ,... Nhưng có tới 6/9 chính sách của các luật trên không được đưa ra ngay từ đầu khi đề xuất xây dựng luật, 3 chính sách còn lại chỉ mang tính chất khái quát, định hướng mà không rõ được nội dung cụ thể”, TS Nguyễn Văn Cương cho biết.

Ông Cương dẫn chứng: Chính sách chuyển hoạt động quản lý về an toàn thực phẩm sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm (tại Luật An toàn thực phẩm năm 2010), chính sách mở rộng khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng thông qua việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với một số loại tranh chấp (tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010)… ban đầu không xuất hiện trong đề xuất xây dựng Luật.

Theo dự kiến, ngày mai (11/11), Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật ban hành VBQPPL.

Bên cạnh đó, các quy định về Báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội của văn bản (RIA) tại Luật Ban hành VBQPPL được kỳ vọng là công cụ kiểm soát chất lượng chính sách. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, báo cáo RIA sơ bộ mới dừng lại ở việc thuyết trình cho sự cần thiết xây dựng luật, đánh giá tác động quá chung chung, nhiều khi mang tính chủ quan, thiếu các thông tin, dữ liệu làm cơ sở cho các lập luận.

“Kinh nghiệm các nước cho thấy, để ban hành một đạo luật phải đánh giá kỹ tác động, phân tích, khẳng định chính sách rồi mới soạn thảo luật. Tức là thiết kế đầy đủ rồi mới thi công. Còn ở mình, những công đoạn này thực hiện không đầy đủ nên khi phát sinh vấn đề gì đó, lại quay trở lại xem có phù hợp với chính sách không”, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hầu hết các bộ, ngành không chú ý đến khâu phân tích chính sách trong quá trình làm luật hoặc thường vừa làm luật vừa phân tích chính sách. "Ví dụ như Luật Thanh niên từ lúc khởi thảo đến khi thông qua mất tới 15 năm, thể hiện rõ khâu phân tích chính sách yếu như thế nào”, ông Dung cho biết.

Tạo cơ chế phù hợp

Cũng theo kết quả nghiên cứu, cả 4 dự án luật trên đều tiến hành các hoạt động tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, song hình thức chủ yếu là thông qua tọa đàm, hội thảo. "Tuy nhiên, vì kinh phí ít nên số buổi hội thảo cũng khá khiêm tốn và cũng rất giới hạn về số lượng người tham gia. Trong số các buổi hội thảo được tổ chức thì rất ít cuộc có bóng dáng của người dân mà phần lớn là chuyên gia, đại biểu đến các bộ, ngành”, TS Nguyễn Văn Cương cho biết.

Cùng với tổ chức hội thảo thì việc lấy ý kiến thông qua các trang điện tử cũng được các nhà làm luật sử dụng triệt để, thế nhưng đây chỉ là việc làm hình thức. Bằng chứng rõ nhất là Luật An toàn thực phẩm mặc dù được đưa lên nhưng không có ý kiến nào.

Theo TS Nguyễn Văn Cương, ý kiến của người dân đóng vai trò rất quan trọng trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, và đó là quyền hiến định. Việc lấy ý kiến người dân vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, tuy ngày càng được coi trọng, nhưng chưa thu hút được sự quan tâm thực sự của người dân cũng như của chính đối tượng chịu sự tác động của VBQPPL.

Từ thực trạng này, TS Nguyễn Văn Cương kiến nghị, phải có một quy trình xây dựng chính sách, pháp luật rõ ràng, minh bạch, ghi nhận các quyền và các điều kiện bảo đảm để người dân tham gia vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật. “Để thu hút người dân, phải có đối thoại chứ không phải là độc thoại. Tức là tạo ra cơ chế nghe, tiếp thu và phản hồi ý kiến thường xuyên và có trách nhiệm”, ông Cương nhấn mạnh.

Tán thành quan điểm này, luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ, Pháp luật (Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam) cho rằng, sự tham gia của người dân, tổ chức xã hội vào quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật sẽ là giải pháp tốt cho việc nắm bắt, xác định đúng các nhóm lợi ích trong xã hội, để từ đó Nhà nước có được giải pháp thích hợp. Để làm điều đó, ngay trong quá trình hoạch định chính sách, các nhà lập pháp phải tạo ra một cơ chế phù hợp để người dân, đặc biệt là các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản pháp luật có thể tham gia đóng góp ý kiến.

Thu Phương



Tọa đàm về dự thảo Luật An toàn-vệ sinh lao động
Tọa đàm về dự thảo Luật An toàn-vệ sinh lao động

Ngày 6/11, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức tọa đàm giới thiệu những điểm mới của dự thảo Luật An toàn - Vệ sinh lao động được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, khóa 13.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN