Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 4/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thảo luận ở tổ. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
* Khắc phục hạn chế của một số luật thuếCác đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn và khắc phục những hạn chế của một số luật thuế và Luật quản lý thuế.
Thể hiện sự đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với công nghiệp hỗ trợ, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng điều này sẽ tạo ra một cơ sở pháp lý giúp cho ngành công nghiệp hỗ trợ thoát khỏi tình trạng gia công hàng. Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành danh mục sản phẩm hỗ trợ ngay từ đầu năm 2015.
Cùng ý kiến trên, đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai) nhận định: phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là giải pháp quan trọng, giúp các ngành sản xuất trong nước chủ động được nguồn nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện; chủ động lựa chọn được nhà cung cấp, giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, nhất là tránh được sự lệ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. Đây cũng là điều kiện quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trụ vững, phát triển trong hội nhập kinh tế quốc tế; đủ điều kiện để hưởng các ưu đãi về thuế quan khi các hiệp định tự do thương mại đã ký kết và có hiệu lực.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị: Chính phủ cần rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng danh mục thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, bảo đảm tính bao quát, toàn diện đối với ngành nghề, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần thiết ưu đãi, gắn với định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới. Để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch của luật, tránh tình trạng luật khung, luật ống, trong dự án luật cần quy định danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được hưởng chính sách ưu đãi này và làm rõ hơn về tiêu chí "sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét: việc bổ sung quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghệp đối với công nghiệp hỗ trợ là bước tiến động viên kịp thời, tuy nhiên, đại biểu tỏ ra lo ngại bởi công nghiệp chính và công nghiệp hỗ trợ của nước ta chiếm phần nhiều là doanh nghiệp FDI. Điều cần quan tâm hiện nay là làm sao để phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Hoan nghênh Chính phủ đã có quy định về hình thức ưu đãi thuế cho các khoản chi từ thiện xã hội, nhằm tạo động lực hơn cho các doanh nghiệp, đồng thời, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất dự án Luật cần bổ sung quy định về ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học.
Đại biểu Quốc hội TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan phát biểu ở tổ. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Liên quan đến quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, nội dung về xóa tiền phạt chậm nộp thuế, đa số các đại biểu đề xuất Chính phủ cần cân nhắc việc này. Bởi, bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính về thuế, do đó việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và không công bằng đối với các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.
* Nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe nhân dânĐa số các đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập đặc biệt để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quá trình thực hiện; đồng thời dành nhiều thời gian thảo luận các quy định liên quan đến thuế suất.
Về thuốc lá, rượu, bia, các đại biểu nhất trí về quy định của dự án luật là nên tăng thuế thu nhập đặc biệt đối với những mặt hàng này tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mức tăng mà Chính phủ đề xuất còn quá thấp.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ: Hiện nay, thuế thuốc lá của Việt Nam thấp hơn nhiều so với nhiều nước. Vì thuế thấp nên một bao thuốc tại Việt Nam được bán với giá tương đương 1 lít sữa trong khi ở các nước khác, một bao thuốc có giá tương đương 4 lít sữa.
Vì vậy, cần tăng mức thuế suất đối với thuốc lá từ 65-85%. Các mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên tăng lên 70%; rượu dưới 20 độ tăng lên 40%; bia tăng lên 65% ngay từ năm 2015. Ngoài ra, đại biểu Thùy Trang cũng kiến nghị nên tăng mức thuế hợp lý đối với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn để cảnh báo người tiêu dùng.
Cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thành Lập (Thành phố Hồ Chí Minh) dẫn chứng: Ở Việt Nam từ năm 1986, 5 bệnh không lây nhiễm: ung thư, tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, béo phì chỉ chiếm 39% số người nằm viện nhưng đến năm 2011, số người mắc các bệnh này đã tăng lên 63%. Số các bệnh nhân bị tử vong vì các bệnh trên chiếm tới 75%. Chi phí điều trị một năm lên tới 23 nghìn tỷ đồng.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do sinh hoạt của con người. Việc tăng thuế suất đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia và nước ngọt có ga cần điều chỉnh mức tăng hợp lý để từ đó định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe của người dân.
Theo các đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), Trịnh Thế Khiết (Hà Nội), Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh), bên cạnh việc tăng thuế suất đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, cần tính đến biện pháp chống buôn lậu.
"Thuế các mặt hàng càng cao, buôn lậu càng mạnh, triệt tiêu sản xuất trong nước. Bởi vậy, lộ trình tăng thuế cần gắn chặt với giải pháp chống buôn lậu, không khuyến khích sản xuất" - đại biểu Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh.
Phúc Hằng