Hội đồng tuyển chọn của 34 tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, khách quan, công khai, minh bạch công tác tuyển chọn, từ thông báo tuyển chọn, tiếp nhận hồ sơ đến tổ chức hội nghị phỏng vấn. Trong quá trình tuyển chọn, Bộ Nội vụ đã tích cực, chủ động phối hợp với Hội đồng tuyển chọn của các tỉnh tổ chức phỏng vấn trực tiếp các ứng viên để tuyển chọn đội viên Đề án.
Phát huy năng lực
Tính đến cuối năm 2014, Bộ Nội vụ đã hoàn thành công tác tuyển chọn với tổng số 500 đội viên, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đề ra. Các đội viên đều tốt nghiệp đại học trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với từng chức danh công chức cấp xã và phù hợp với nhu cầu của địa phương.
Các tri thức trẻ tại Lễ ra quân cho Đội viên Đề án 500 tri thức trẻ tình nguyện về các xã góp sức phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2015 tại Lạng Sơn. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN |
Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các tỉnh tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và các kỹ năng cần thiết cho đội viên trước khi bố trí về xã công tác. 6 lớp tập huấn đã được tổ chức ngay tại các tỉnh có huyện nghèo để sát với thực tế của địa phương, đồng thời tiết kiệm kinh phí và thời gian đi lại cho các đội viên Đề án. Kết thúc các khóa bồi dưỡng, 500 đội viên được đánh giá đủ điều kiện, tiêu chuẩn để cấp có thẩm quyền bố trí về xã tại các huyện nghèo công tác.
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã (đơn vị quản lý và thực hiện Đề án 500) cho biết, sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng cần thiết cho các đội viên Đề án, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức cho các đội viên về xã công tác.
UBND các tỉnh đã chỉ đạo và thành lập đoàn công tác đến các huyện để tổ chức hội nghị quán triệt, làm tốt công tác tư tưởng đối với cấp xã về việc tăng cường trí thức trẻ tình nguyện cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, qua đó tạo sự đồng thuận trong cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã.
Trong số này, có 114 đội viên được bố trí làm công việc của chức danh công chức Văn phòng - Thống kê, 189 đội viên là công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường, 45 đội viên là công chức Tài chính - Kế toán, 71 đội viên là công chức Tư pháp - Hộ tịch và 81 đội viên là công chức Văn hóa - Xã hội.
Các đội viên đã được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng tiếp cận công việc được giao; nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc của người dân, từ đó có những tham mưu giải quyết công việc kịp thời, chính xác. Mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện và cơ sở vật chất làm việc, nhưng hầu hết các xã đều bố trí phòng làm việc và phương tiện làm việc cần thiết cho từng đội viên, phù hợp với điều kiện của xã.
UBND các tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp quan tâm, hướng dẫn đội viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Một số tỉnh định kỳ tổ chức các buổi gặp mặt định kỳ hàng tháng (đối với cấp huyện) và 6 tháng (đối với cấp tỉnh) để trao đổi thông tin, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng; những thuận lợi, khó khăn và những kiến nghị, đề xuất, kịp thời tháo gỡ; thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ của đội viên và việc thực hiện chế độ, chính sách cho đội viên Đề án...
Qua kiểm tra và nhận xét của xã, huyện, tỉnh cho thấy các đội viên Đề án nhanh chóng tiếp cận và làm quen với công việc của xã; hăng hái, nhiệt tình nắm bắt tình hình cơ sở, tìm hiểu và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; thường xuyên đi thực tế nắm bắt điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương, an tâm công tác, gắn bó với địa phương. một số đội viên đã đề xuất những đề án phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thực hiện bước đầu có kết quả. Hàng năm, hầu hết đội viên Đề án đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Năm 2015 có 30 đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (7,8%); 351 đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ (91,2%); 4 đội viên hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (1,04%). Năm 2016 có 58 đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (14,11%); 343 đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ (83,45%); 10 đội viên hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (2,43%); 1 đội viên không hoàn thành nhiệm vụ (0,24%).
Nhiều đội viên Đề án đã được kết nạp Đảng, phát huy năng lực, trí tuệ và được cấp ủy Đảng, chính quyền xã, huyện đánh giá cao về năng lực chuyên môn, khả năng trong công tác cũng như phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức. Đến nay, đã có 178 đội viên là đảng viên (35,6%), 135 đội viên đã tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bồi dưỡng để phát triển Đảng.
Hoàn thiện cơ chế tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ cho cơ sở
Chính sách thu hút trí thức trẻ về tham gia phát triển nông thôn, miền núi không chỉ tăng cường nguồn cán bộ lâu dài giúp cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo nguồn cán bộ bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cho các cơ quan Đảng và chính quyền các cấp. Việc thực hiện Đề án 500 góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trẻ cho cơ sở.
Theo ông Vũ Đăng Minh, Đề án nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp. Hầu hết đội viên nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương, của nhân dân, được nhân dân tin yêu. Một số đội viên là người địa phương nên rất thuận lợi cho công tác nắm bắt tình hình của địa phương; thông thạo phong tục, tập quán, ngôn ngữ địa phương, do đó việc tham mưu luôn đảm bảo không xa rời thực tế.
Tuy nhiên, hầu hết đội viên Đề án còn trẻ, chưa va chạm thực tế, chưa am hiểu nhiều lĩnh vực, phong tục tập quán của địa phương, chưa có kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, trong xử lý các tình huống phát sinh nên bước đầu gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Một số đội viên còn lúng túng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; chưa mạnh dạn tham mưu, đề xuất với chính quyền để triển khai nhiệm vụ được giao.
Thời gian đầu khi đội viên mới về xã công tác, một số cán bộ, công chức xã và nhân dân địa phương chưa thực sự tin tưởng, đánh giá cao đội viên nên gặp khó khăn trong công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, còn một số đội viên chưa thực sự cố gắng, chưa tạo mối quan hệ trong công việc và cuộc sống với những cán bộ, công chức cùng cơ quan; chưa mạnh dạn trao đổi chính kiến trong công tác. Một số đội viên chưa tích cực nghiên cứu, học hỏi, còn chưa hòa đồng với cán bộ, công chức, với nhân dân.
Những nguyên nhân được ông Vũ Đăng Minh chỉ ra là công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Đề án chưa sâu rộng nên một bộ phận cán bộ, công chức xã chưa chủ động, chưa nhận thức đầy đủ mục tiêu của Đề án, vẫn còn những băn khoăn về việc bố trí, sử dụng đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện chế độ, chính sách đối với đội viên Đề án.
Phong cách làm việc của một số cán bộ, công chức xã có nơi còn thiếu tính khoa học, chưa thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc hành chính nên việc phân công nhiệm vụ cho đội viên Đề án chưa rõ ràng và chưa có văn bản. Các đội viên Đề án chưa có kinh nghiệm trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở cấp xã; nhiều đội viên Đề án chưa biết tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số nên gặp khó khăn khi đi xuống thôn, bản để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.