Sáng 6/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ban chỉ đạo Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp đã họp phiên thứ 4 để đánh giá kết quả hoạt động của Ban chỉ đạo trong năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án chủ trì cuộc họp.
Báo cáo của Ban chỉ đạo cho thấy Các Bộ, ngành đã quan tâm hơn đến công tác xây dựng, ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, hồ sơ bổ nhiệm giám định viên, về quy trình giám định, quy chuẩn chuyên môn làm cơ sở để hoạt động giám định tư pháp hiệu quả.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Những lĩnh vực giám định thường xuyên được trưng cầu đã được các Bộ, ngành hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng khi cần trưng cầu giám định, tháo gỡ nhiều ách tắc trong hoạt động giám định tư pháp.
Năm 2014, cả nước đã có thêm 4 trung tâm pháp y được thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giám định được đầu tư mua sắm, đáp ứng yêu cầu hoạt động giám định. Đội ngũ giám định viên tư pháp phát triển mạnh về số lượng, đảm bảo về phẩm chất, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm với công việc được tăng cường.
Các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành đã lập và công bố danh sách giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Đây là bước “chuyển” quan trọng so với trước đây. Đến nay, duy nhất có Bộ Công an chưa công bố danh sách này.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự, pháp y, pháp y tâm thần cũng được chú trọng. Công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp đã phát huy hiệu quả hơn, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cơ quan quản lý nhà nước đã có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo Đề án, việc củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y ở một số địa phương chưa quyết liệt. Hiện vẫn còn 8 tỉnh chưa củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y theo quy định của Luật giám định tư pháp, gồm An Giang, Bắc Kạn, Hải Dương, Hưng Yên, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Quảng Ninh.
Việc xây dựng Đề án thành lập Trung tâm pháp y tâm thần khu vực chậm, dẫn đến việc phải kéo giãn thời gian đi vào hoạt động của các trung tâm pháp y tâm thần khu vực theo quy định của Luật giám định tư pháp. Đề án củng cố, kiện toàn tổ chức giám định pháp y ngành y tế chưa được xây dựng.
Nhân lực trong các tổ chức giám định tư pháp còn thiếu hụt, đội ngũ giám định viên pháp y, pháp y tâm thần hầu hết là kiêm nhiệm, có địa phương toàn bộ nhân viên thuộc tổ chức giám định pháp y là kiêm nhiệm (Nam Định, Thái Bình...).
Văn bản hướng dẫn thống kê về trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá chất lượng hoạt động giám định và sử dụng kết luận giám định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là một trong những cơ sở quan trọng để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động này được giao cho Bộ Công an chủ trì nhưng chưa được ban hành theo đúng tiến độ.
Việc xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa Trung tâm pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, các cơ quan có liên quan trong việc tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định pháp y thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế chủ trì cũng chưa được ban hành.
Tại phiên họp, thành viên Ban chỉ đạo đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp. Bà Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh đến việc sửa đổi chế độ cho giám định viên, nhà nước giữ vai trò bà đỡ ban đầu đối với tổ chức giám định công nhưng dần dần phải giao quyền tự chủ tự chủ cho họ, đi liền với đó là xã hội hóa công tác giám định tư pháp, không phân biệt tổ chức nhà nước và tổ chức tư nhân.
Ghi nhận những kết đạt được đồng thời chỉ ra những mặt hạn chế, bất cập trong thực hiện Đề án, Luật giám định tư pháp thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức về hoạt động giám định tư pháp vẫn chưa tương xứng với yêu cầu.
Một số Bộ, ngành chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với hoạt động giám định tư pháp, còn nợ đọng công việc. Các cơ quan tiến hành tố tụng chưa có các giải pháp đồng bộ triển khai thực hiện đầy đủ trách nhiệm của ngành theo quy định của Đề án và Luật giám định tư pháp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo đúng Kế hoạch của Chính phủ là yêu cầu bắt buộc, là trách nhiệm của các Bộ, ngành, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Trong năm 2015, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc việc soạn thảo, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản để triển khai thực hiện Đề án, Luật giám định tư pháp, hoàn thành trong quý II/2015.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn về trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp; thống kê về trưng cầu, yêu cầu giám định; đánh giá việc sử dụng kết luận giám định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Bộ Công an xây dựng, triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế ban hành các thông tư hướng dẫn về điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện tối thiểu cho tổ chức pháp y, pháp y tâm thần; quy trình giám định pháp y tâm thần; chế độ phụ cấp đối với giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ban hành quy chế phối hợp giữa trung tâm pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định pháp y; xây dựng, triển khai Đề án củng cổ tổ chức giám định pháp y, thành lập Viện pháp y tâm thần miền Nam tại Đồng Nai.
Phó Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục sắp xếp, củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp công lập theo qui định của Luật giám định tư pháp, đồng thời đề xuất thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập ở các lĩnh vực cần thiết, khuyến khích thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở các lĩnh vực theo quy định của Luật giám định tư pháp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế phối hợp giải quyết kịp thời tiền bồi dưỡng giám định, chi phí giám định của các cơ quan điều tra đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định hoặc tham gia vào hoạt động giám định tư pháp. Các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện việc giám định phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, không để tồn đọng ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng.
Chu Thanh Vân (TTXVN)