Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN. |
Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Tư pháp thẩm tra dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.
Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện do Phó Chánh án Nguyễn Sơn trình bày nêu rõ, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những phương thức hữu hiệu để kịp thời bảo toàn tài sản, bảo vệ chứng cứ, giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Qua đó góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, xung đột giữa các bên trong các giao dịch dân sự; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành mới chỉ quy định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện cho Tòa án mà chưa quy định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.
Phó Chánh án Nguyễn Sơn nêu một thực tế, có nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân phát hiện thấy tài sản, quyền tài sản của mình đang bị xâm phạm nhưng vì lý do khách quan mà họ chưa thực hiện được việc khởi kiện ra Tòa án hoặc họ muốn tự thương lượng để giải quyết với nhau trước khi quyết định việc khởi kiện ra Tòa án.
Những trường hợp này, họ cần Tòa án hỗ trợ, áp dụng ngay một biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo toàn tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều và do tính chất vô hình của tài sản nên việc vi phạm thường diễn biến nhanh, có thể gây thiệt hại lớn cho chủ sở hữu, người tiêu dùng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Nhìn ra thế giới, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho biết, việc cho phép áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với việc khởi kiện cũng như các biện pháp tương tự khác nhằm bảo toàn tài sản nói chung và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói riêng là chế định trong luật của nhiều quốc gia có truyền thống pháp luật gần gũi với Việt Nam.
Dự thảo Luật có 3 chương với 37 điều, quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện; thẩm quyền; trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.
Tính cần thiết của việc ban hành Luật này là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Nhiều ý kiến cho rằng đây là dự án Luật rất quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, nhưng Tờ trình đề cập tới sự cần thiết ban hành Luật còn chung chung, chưa làm rõ được nếu chậm ban hành hoặc không ban hành Luật này thì hậu quả như thế nào đối với quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng như việc tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Nguyễn Thu Trang, nêu lên 3 kinh nghiệm của các nước được Tòa án nhân dân tối cao viện dẫn trong Tờ trình đó là Trung Quốc, Nga và Nhật.
Tuy nhiên, theo bà Trang, kinh nghiệm của Trung Quốc gắn với vấn đề tố tụng; kinh nghiệm của Nga chỉ giới hạn ở trong những việc rất nhỏ; kinh nghiệm của Nhật có một điều kiện rất quan trọng đó là sau đó phải khởi kiện, tức là việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gần như tiền tố tụng, sau đó phải khởi kiện.
Bà Trang cho rằng đây là biện pháp can thiệp quá sâu vào quyền nhân thân, quyền tài sản thì cần phải có những điều kiện nhất định mà một trong những điều kiện đó là việc phải khởi kiện. "Với những băn khoăn đứng từ góc độ của cộng đồng doanh nghiệp, nơi mà nhưng biện pháp tài sản, những tranh chấp, mâu thuẫn tài sản và những mảnh khóe trong cạnh tranh có thể ảnh hưởng rất lớn tới lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp mà các biện pháp này không cẩn thận sẽ bị lạm dụng, VCCI ai mong muốn Ủy ban Tư pháp có sự cân nhắc đầy đủ trong việc quyết định có nên có luật này hay không. Nếu có luật thì giới hạn ở những lĩnh vực nào, và các điều kiện phải chặt chẽ để có thể yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời"- bà Trang kiến nghị.
Thành viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Duy Hữu đề cập tới góc độ khác đó là đảm bảo nguồn lực để thực hiện Luật này trong bối cảnh đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Theo đó khối lượng công việc cho Tòa án sẽ tăng, cần bố trí Thẩm phán, cán bộ Tòa án thực hiện việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện khi có yêu cầu; tăng khối lượng công việc cho các cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành quyết định của Tòa án...
Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến yêu cầu về tính hợp hiến và tính khả thi của Luật, vì dự án Luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó có nhiều quy định liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013 và điều chỉnh quan hệ xã hội mới ngoài phạm vi của Bộ luật tố tụng dân sự. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật phải bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định các điều kiện áp dụng các biện pháp này thật rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ để bảo đảm tính khả thi.