“Thầy” đua với “thợ”

Trong phiên thảo luận Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 5/11. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nhiều người học nghề không yên tâm với bằng cấp của mình, luôn muốn học cao hơn trong khi nhiều công việc lại không yêu cầu trình độ quá cao. Hơn nữa, việc đào tạo đại học phải mất tới 4 năm và chi phí lớn hơn nhiều so với học nghề.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) dẫn chứng từ một lần giám sát: “Có một ngôi trường, quy mô thu chi hàng năm có 500 triệu đồng, chỉ cần một kế toán có bằng trung cấp là đủ. Tuy nhiên, khi tuyển dụng vị trí này, đã có hàng chục người tốt nghiệp đại học nộp đơn xin việc. Việc này đã gây lãng phí lớn về đào tạo, trong khi một người tốt nghiệp đại học chưa chắc đã làm việc tốt hơn người tốt nghiệp trung cấp".

Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Bà Hải nhận xét: “Số người học nghề ít mà số người học đại học ngày càng tăng, tạo ra tâm lý tiêu cực cho người dân đăng ký học nghề, luôn có tâm lý không yên tâm, luôn muốn học cao hơn để đảm bảo công việc. Càng gây nên tình trạng thừa thầy thiếu thợ”.

Tại cuộc thi tay nghề giữa các nước Asean gần đây, Việt Nam đạt giải nhất với 15 huy chương vàng, Singapore chỉ đứng thứ 3, Thái Lan thứ 4. Đây là lần thứ 3 đoàn Việt Nam đạt giải nhất toàn đoàn, kết quả này ít nhiều phản ánh trình độ tay nghề. Tuy nhiên, theo số liệu của một tổ chức nước ngoài thì năng suất lao động Việt Nam kém Singapore tới 15 lần, Thái Lan tới 8 lần.

Theo các đại biểu, nguyên nhân này là do mục tiêu của giáo dục dạy nghề chưa phù hợp với thực tiễn, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Do vậy, tăng năng suất lao động là yếu tố mấu chốt sửa luật lần này.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Tiền Giang) cho rằng: “Đào tạo nghề chưa đáp ứng ngay được nhu cầu tuyển dụng, không có kỹ năng phù hợp… khiến nhiều doanh nghiệp phải đào tạo lại, gây lãng phí cả về thời gian và tiền bạc của người lao động, của xã hội. Cần có cơ chế gắn kết thị trường với cơ sở đào tạo từ phương án tuyển sinh tới các chương trình học nghề”.

“Ưu tiên cho giáo dục là chủ trương lớn, nhưng bất cập lớn nhất là chúng ta chưa có tầm nhìn chiến lược trên phạm vi cả nước về giáo dục dạy nghề. Cần quy hoạch mạng lưới đào tạo theo vùng, địa phương, ưu tiên ngoài công lập, chất lượng cao, theo ngành nghề… để đạo tào nghề. Như vậy, mới từng bước nâng cao được chất lượng trong đào tào nghề”, đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đề nghị.

Thống nhất quản lý

Hiện nay, việc đào tạo nghề đang có nhiều chồng chéo trong quản lý, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý phần dạy nghề như: Trung học dậy nghề, cao đẳng nghề. Bộ Giáo dục Đào tạo lại quản lý phần giáo dục chuyên nghiệp như: Trung học chuyên nghiệp, cao đẳng… Do vậy, đa số các đại biểu cho rằng, cần hợp nhất các cơ sở này, giao cho một bộ quản lý thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) cho rằng: “17 năm qua, hiệu quả của việc đào tạo nghề chưa tương xứng với đầu tư và kỳ vọng của người lao động. Bị chia cắt, xé lẻ theo nhiều hướng khác nhau, không đáp ứng được nhu cầu của đất nước. Do vậy, cần thiết phải thống nhất một cơ quan đầu mối quản lý, để thoát khỏi vòng luẩn quẩn, đạo tạo chưa quy hoạch… dẫn tới thừa thầy thiếu thợ”.

“Việc hợp nhất các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng là hợp lý. Phù hợp với các nước tiên tiến. Đồng thời, quy hoạch mạng lưới, quy mô đào tạo, chương trình đào tạo… phù hợp với từng địa phương. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đạt được một số kết quả trong đào tạo nhưng chưa đạt kết quả cao, các trung tâm dạy nghề hiện nay so với nhu cầu nông thôn mới còn nhiều bất cập”, đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) nói thêm.

Hữu Vinh

Sẽ áp điều kiện khi mở lớp học nghề
Sẽ áp điều kiện khi mở lớp học nghề

Ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề) cho rằng: Những người triển khai đề án cũng đã nhận ra những bất cập của chương trình đào tạo nghề nông thôn và đang tiến hành sửa đổi Quyết định 1956.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN