* Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đoàn đại biểu Chính phủ và tỉnh Hòa Bình tưởng nhớ công lao vô hạn của Người trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và nhân dân trên thế giới.
Thủ tướng và đoàn công tác nguyện tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người; tiếp tục nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc trên đỉnh đồi ông Tượng có độ cao khoảng 186 m so với mực nước biển, nhìn trọn không gian Nhà máy thủy điện Hòa Bình, lòng hồ và dòng sông Đà. Tượng đài Bác Hồ cao 18m được hoàn thành vào ngày 8/1/1997.
* Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã kiểm tra công trình mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Dự án xây dựng thêm 2 tổ máy với công suất lắp máy là 480 MW; có tổng mức đầu tư là 9.220,83 tỷ đồng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư. Dự kiến sau khi hoàn thành, công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng với công suất 480MW sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt 2.400MW.
Dự án được khởi công ngày 10/1/2021, song đến ngày 20/10/2021 phát hiện khối sạt phát triển ngoài biên hố móng nhà máy nên việc thi công tạm dừng. Sau khi xử lý sự cố, từ cuối năm 2022, việc thi công dự án được khởi động trở lại, dự kiến đến tháng 7/2025 sẽ hoàn thành.
Dự án do Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12), Công ty LILAMA 10 và Công ty cổ phần xây dựng 47 liên danh thi công. Đối với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là đơn vị 2 lần xây dựng Nhà máy, trước đó từ năm 1976 đến năm 1985 cán bộ, công nhân Tổng Công ty đã cùng các chuyên gia Liên Xô đã xây dựng Nhà máy lần thứ nhất.
Thị sát công trường thi công, sau khi nghe báo cáo tình hình dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tháng 10/2021, khi phát hiện sự cố sạt, Thủ tướng đã chỉ đạo, giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lên kiểm tra thực tế, cho dừng thi công để đánh giá tình hình và bàn giải pháp khắc phục. Sau khi khảo sát, nghiên cứu, trên cơ sở khoa học đã kịp thời đưa ra được biện pháp xử lý hiệu quả và đến nay công trình đã trở lại thi công nhộn nhịp. “Sau sự cố và khắc phục sự cố cho ta thêm kinh nghiệm, bản lĩnh, bài học quý trong việc xử các sự cố phát sinh, không lường trước được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, Thủy điện Hòa Bình là công trình lớn, công trình thế kỷ của đất nước lúc bấy giờ. Trong quá trình xây dựng Nhà máy, phục vụ phát triển đất nước, nhiều người đã ngã xuống. Do đó, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng công trình không chỉ nỗ lực làm việc nhằm đưa công trình vào phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo an ninh nang lượng, 1 trong 5 cân đối lớn của nền kinh tế... mà còn vì sự hy sinh của những người đi trước.
Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu thi công phải đảm bảo chất lượng, an toàn công trình; tổ chức thi công 3 ca 4 kíp, đẩy nhanh, bù tiến độ do khắc phục sự cố; đảm bảo môi trường sinh thái. Chủ đầu tư, các đơn vị thi công, giám sát phải phối hợp chặt chẽ với nhau, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh; đảm bảo an toàn lao động, chăm lo đời sống cho công nhân trên công trường. Tỉnh Hoà bình, phối hợp Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chung tay, xử lý kịp thời nếu có vấn đề nảy sinh, cũng như đôn đốc triển khai dự án.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chố tại Xóm Máy, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình có 2 con là liệt sĩ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc Mẹ luôn mạnh khỏe, trường thọ, động viên con cháu và người dân địa phương phát huy truyền thống cách mạng, góp phần tích cực xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ những đóng góp, sự hy sinh của các gia đình vì độc lập, tự do của Tổ quốc; nỗ lực chăm lo cho các gia đình chính sách có cuộc sống ít nhất là bằng, phấn đấu tốt hơn so với người dân trong khu dân cư.
* Thủ tướng tới thăm khu nhà ở xã hội do Công ty Sao Vàng làm chủ đầu tư ở phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình. Khu nhà ở xã hội này gồm 3 toà nhà, mỗi toà cao 15 tầng, đầu tư xây dựng trên diện tích 1,3 ha. Tổng vốn đầu tư dự án gần 700 tỷ đồng, với gần 800 căn hộ, diện tích mỗi căn hộ từ 40 - 69 m2. Giá nhà ở khu này khoảng 10,5 triệu đồng/m2.
Cùng với thăm hỏi các gia đình tại khu nhà ở xã hội, cũng như tìm hiểu việc đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khu nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp.
Tỉnh Hòa Bình cần rút kinh nghiệm các mô hình nhà ở xã hội đã có trên địa bàn để nhân rộng. Theo đó, tỉnh Hoà Bình tập hợp các vấn đề liên quan việc phát triển nhà ở xã hội để kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét, có cơ chế, chính sách phù hợp. Chính quyền, chủ đầu tư làm việc với các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về lãi suất cho vay giúp phát triển nhà ở xã hội và giúp người thu nhập thấp, nhất là công nhân có vốn mua nhà để an cư, lạc nghiệp.