Theo đó, đối với Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, theo hướng quy định sau:
Về thời điểm đặc xá, giữ như quy định của Luật Đặc xá hiện hành. Việc quyết định thời gian đặc xá đối với từng trường hợp cụ thể sẽ do Chủ tịch nước quyết định.
Về đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Đối với những người phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định không tha tù trước thời hạn có điều kiện, Chủ tịch nước đặc xá cho những đối tượng này nếu có đủ điều kiện đặc xá. Đối với những người đang được hoãn chấp hành hình phạt tù, những người đang được hưởng án treo thì không đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.
Về thời gian phải chấp hành hình phạt tù để được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, cơ bản giữ như quy định của Luật Đặc xá hiện hành.
Về điều kiện chấp hành án phí, các khoản tiền phạt, người được đề nghị đặc xá phải chấp hành xong các khoản này, trừ trường hợp có quyết định của Tòa án có thẩm quyền về việc miễn, giảm.
Về điều kiện thực hiện nghĩa vụ bồi thường dân sự và các nghĩa vụ dân sự khác, đối với người bị kết án phạt tù về tội tham nhũng hoặc một số tội khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải thực hiện xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có quyết định của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự về việc chưa có điều kiện thi hành án hoặc có văn bản của người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án, không yêu cầu thi hành án đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước.
Các trường hợp không được đề nghị đặc xá: một số trường hợp có từ 02 tiền án trở lên, phạm tội về an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, chống lại loài người, tội phạm chiến tranh và tội khủng bố.
Về thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài, cơ bản giữ như quy định của Luật Đặc xá hiện hành, giao Chính phủ quy định chi tiết.
Về đặc xá trong trường hợp đặc biệt, giữ như dự thảo hiện nay.
Đối với, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 năm 2018, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Dự án Luật này cần lưu ý các vấn đề sau: Về trách nhiệm của Nhà nước, cần làm rõ yêu cầu phải tăng cường trách nhiệm của Nhà nước đối với các loại hình cơ sở giáo dục đại học, bao gồm cả trách nhiệm đầu tư và quản lý.
Về tự chủ đại học, cần chú ý phát huy vai trò, vị thế, quyền quyết định và giám sát của Hội đồng trường. Chủ tịch Hội đồng trường và thành viên Hội đồng trường phải thực sự là những người có uy tín, trình độ, có khả năng lan tỏa để bảo đảm đoàn kết nội bộ, đúng định hướng chính trị và kiểm soát quyền lực trong nhà trường. Cơ cấu của Hội đồng trường, thành viên Hội đồng trường sẽ có hướng dẫn phù hợp với từng loại hình nhà trường.
Về học phí, đề nghị dựa trên nguyên tắc coi trọng chất lượng, đề cao trách nhiệm của từng nhà trường; đẩy mạnh tự chủ do nhà trường tự quyết định và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc hợp tác giáo dục nước ngoài, trong Báo cáo giải trình cần nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước khi hợp tác giáo dục với nước ngoài; các trường, phân hiệu có yếu tố nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam; giáo viên phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật Việt Nam mới được cấp phép hoạt động.
Các vấn đề về thuế, chức danh nghiên cứu viên nên quy định trong các luật chuyên ngành; các quy định về tiêu chuẩn của giáo viên, độ tuổi, thời gian công tác đề nghị phải bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.
Báo cáo giải trình cần lưu ý thuyết minh rõ những điều, khoản được sửa đổi, bổ sung tại Luật Giáo dục đại học không trái so với các nguyên tắc trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Đối với Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Bộ Công an phối hợp với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Luật, dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan chuẩn bị nội dung báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị tập trung các vấn đề sau: Về Công an xã, thị trấn trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, nghiên cứu xác định thời gian chuyển tiếp, lộ trình và nếu cần thiết bổ sung một số quy định cụ thể làm nguyên tắc để giao Chính phủ xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trong dự thảo Luật.
Về vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, cần bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị; tán thành nguyên tắc xác định vị trí, số lượng cấp tướng và quy định cụ thể trong Luật. Về cấp bậc hàm cấp tướng của Giám đốc Công an cấp tỉnh cần sớm báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.
Tán thành việc bỏ quy định về cục đặc biệt, theo đó, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức cục trưởng là Bộ trưởng Bộ Công an.
Bộ Công an cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan đẩy mạnh tuyên truyền về những nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật, nhất là về cơ cấu tổ chức, chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Đối với Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện, để xin ý kiến Bộ Chính trị về 02 phương án liên quan đến vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57 của dự thảo Luật). Cụ thể:
Phương án 1: Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì phải do Tòa án quyết định; nếu Tòa án xác định tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; nếu Tòa án xác định tài sản, thu nhập tăng thêm người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Về trình tự, thủ tục giải quyết, đề nghị các cơ quan chuyên môn cần tính toán kỹ lưỡng và xây dựng phương án cho phù hợp, bảo đảm khả thi.
Phương án 2: Nếu các cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì coi đây là tài sản, thu nhập chưa kê khai, chưa nộp thuế, chưa chứng minh được tính hợp pháp, thì người có nghĩa vụ phải nộp thuế và Nhà nước tiến hành thu thuế. Trường hợp có dấu hiệu gian lận và trốn thuế thì ngoài số thuế phải nộp sẽ bị xử lý theo Luật Quản lý thuế hoặc hình sự theo quy định của pháp luật về hành vi trốn thuế.
Sau khi đã xin ý kiến Bộ Chính trị, dự án Luật sẽ trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 năm 2018, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.