Phát biểu khai mạc Tuần Lễ Văn hóa – Du lịch Mũi Cà Mau năm 2019, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chia sẻ: Tuần Văn hóa – Du lịch Mũi Cà Mau năm 2019 là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng trao đổi kinh nghiệm, đưa ra những giải pháp đột phá để ngành du lịch Cà Mau không chỉ kết nối với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước mà còn là cơ hội liên kết với các nước trong khu vực. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để Cà Mau giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của hệ sinh thái ngập nước đặc trưng mang nhều vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ...
“Những năm gần đây ngành du lịch Cà Mau không ngừng phát triển, các chỉ tiêu đều đạt bình quân hai con số, góp phần quan trọng đưa ngành dịch vụ hiện chiếm hơn 40% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chỉ 11 tháng của năm 2019, du dịch Cà Mau đã tăng trưởng hơn 15% so với cùng kỳ”, ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.
Cùng với sự kiện khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã long trọng tổ chức khánh thành công trình Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, đây là công trình do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trao tặng cho Cà Mau.
Nói về tình cảm giữa Thủ đô Hà Nội và Cà Mau – tỉnh cực Nam Tổ quốc, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, khẳng định: Với tình cảm gắn bó của Hà Nội với Cà Mau, hai địa phương đã thống nhất xây cột cờ Hà Nội tại Khu công viên Văn hóa – Du lịch Mũi Cà Mau. Đến nay, công trình đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng, với tổng mức đầu tư 149 tỷ đồng. “Cột cờ Hà Nội là biểu tượng kiêu hãnh của thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, Cột cờ Hà Nội luôn là biểu tượng không chỉ tượng trưng cho ý trí tự cường của Thăng Long Hà Nội mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi Cà Mau được xây dựng mô phỏng như cột cờ Hà Nội cổ xưa có giá trị nghệ thuật cao về kiến trúc, gắn với truyền thống lịch sử của Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến. Bên cạnh đó, đây còn là biểu tượng văn hóa, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Mặt dù xa Thủ đô về khoảng cách địa lý nhưng sự hiện diện của cột cờ Hà Nội nơi Đất Mũi sẽ là sợi chỉ đỏ kết nối, tô thắm thêm tình cảm giữa nhân dân Hà Nội với nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Cà Mau nói riêng.
Phát biểu chỉ đạo tại Tuần Văn hóa – Du lịch Mũi Cà Mau năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cà Mau đã phấn đấu, đạt được trong thời gian qua.
Với tài nguyên du lịch phong phú và bản sắc, năm 2018 Cà Mau đón hơn 1,24 triệu lượt khách, tăng hơn 16% so với năm 2017, doanh thu du lịch đạt trên 2.200 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019 có thể đạt gần 1,7 triệu lượt khách.
“Đây là kết quả khá tích cực và rất ý nghĩa trong bối cảnh điểm yếu về giao thông kết nối cơ sở hạ tầng và nhiều nút thắt khác đặt ra cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng Cà Mau nói riêng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đồng thời chỉ đạo thêm, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ là một trong những hướng đi bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu diễn biến rất phức tạp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cà Mau.
“Những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Cà Mau thời gian qua rất đáng khích lệ đã góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Tuần văn hóa du lịch Mũi Cà Mau là một cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Cà Mau giàu tiềm năng, năng động, cởi mở, một mũi Cà Mau khát vọng rẽ sóng ra khơi xa, đặc biệt nhân sự kiện quảng bá du lịch quan trọng này chúng ta long trọng tổ chức khánh thành Cột cờ mũi Cà Mau do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng cho Cà Mau. Đây là việc có ý nghĩa thiêng liêng, cao quý, thể hiện mối tình tình cảm sâu sắc của Hà Nội với Cà Mau và của cả nước với Cà Mau. Cột cờ Cà Mau tạo thêm một biểu tượng về sự thống nhất giang sơn gấm vóc, chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Du lịch là tiềm năng lợi thế so sánh nổi bật ở Cà Mau, cả về điều kiện tự nhiên, thắng cảnh và kho tàng văn hóa giàu có đậm đà bản sắc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Để ngành du lịch Cà Mau phát triển bền vững trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, ngành du lịch toàn cầu đang chuyển đổi mạnh mẽ theo nhu cầu thị hiếu mới của du khách. Đó là phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái và cộng đồng. Xu hướng phát triển này rất phù hợp với tiềm năng lợi thế của Cà Mau. “Trong quá trình phát triển, cần quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị hệ sinh thái đặc thù của vùng đất ngập nước, khai thác có hiệu quả lợi thế của khu sinh quyển thế giới trong việc phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, thắng cảnh và kho tàng văn hóa giàu có đậm đà bản sắc. Đó là những tiềm năng du lịch và lợi thế so sánh lớn của Cà Mau nên không để mất, không để suy giảm. Cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội cùng quan tâm hơn, cùng vào cuộc để khắc phục những hạn chế yếu kém của ngành du lịch, những khó khăn về hạ tầng kết nối, đổi mới tư duy kinh doanh, thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân để xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, văn hóa, thân thiện”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.