Tới dự còn có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Tập đoàn Viettel. Trước đó, Viettel đã 2 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lao động- năm 2007; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân- năm 2013).
Thành lập năm 1989, Sigelco (tiền thân của Viettel) có nhiệm vụ chuyển một phần cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm của quân đội sang làm kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Sau 30 năm, những người lính làm kinh tế đã gây dựng Viettel trở thành một trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 500 thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu. Viettel đã hiện diện tại 17 quốc gia, trong đó đầu tư và kinh doanh tại 10 thị trường nước ngoài, doanh thu hàng năm đạt hơn 10 tỷ USD, tương đương với 3% GDP của Việt Nam.
Trong 30 năm hoạt động, từ ngành nghề chính ban đầu là xây lắp công trình viễn thông, đến nay Viettel đã phát triển thêm 5 ngành nghề mới là ngành dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin; ngành nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, ngành công nghiệp quốc phòng, ngành công nghiệp an ninh mạng và ngành cung cấp dịch vụ số. Viettel được đánh giá là một trong những doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn và hiệu quả nhất Việt Nam, thể hiện ở các tiêu chí doanh thu lớn nhất, nộp ngân sách nhà nước cao nhất, giá trị thương hiệu cao nhất.
Tính từ năm 2000 tới nay, Viettel đã tạo ra hơn 1,78 triệu tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận đạt 334 ngàn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 134 ngàn tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thường xuyên đạt từ 30-40%. Viettel đã chi 3.500 tỷ đồng thực hiện các chương trình xã hội.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhận xét, văn hóa, triết lý, tinh thần Viettel là sức mạnh, nền tảng sự thành công của Tập đoàn để có thể phát triển bền vững, lớn mạnh. Văn hóa đó chính là luôn nhận việc khó, thách thức cao, luôn có cách tiếp cận khác biệt, đổi mới sáng tạo; luôn tự tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp và tài năng cho mọi thành viên. Cùng với đó là đội ngũ nhân lực của Viettel năng động, sáng tạo, hoài bão, tận tâm với công việc. Đây là những tài sản quý giá của Tập đoàn và cần phải gìn giữ và phát huy, Thủ tướng nói.
Với những nền tảng sức mạnh tinh thần và vật chất, Thủ tướng đặt vấn đề, sau 10-30 năm tới, Viettel sẽ như thế nào, đâu sẽ là cốt lõi của Viettel tương lai?.
Nhấn mạnh đến yếu tố công nghệ, thời điểm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng nêu rõ, 30 năm trước chúng ta không thể biết rằng một Internet sẽ làm nên một cuộc cách mạng kinh tế; chưa khi nào một công nghệ lại tạo ra mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống như lúc này. Lịch sử cho thấy có những doanh nghiệp không chỉ cung cấp cho thế giới những sản phẩm dịch vụ tuyệt vời mà quan trọng hơn, họ đã làm thay đổi thế giới, phương thức sống và sinh hoạt của con người.
“Tôi cảm nhận rất rõ tất cả sự đam mê, khát vọng, tinh thần dám nghĩ, dám làm của hơn 50 nghìn cán bộ, công nhân viên Tập đoàn”, Thủ tướng nói.
Cho rằng công nghệ sẽ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình và đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, Thủ tướng cho rằng, không chỉ hấp thụ công nghệ, Việt Nam phải phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường tất yếu dẫn đến một quốc gia hùng cường cho Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng, chưa khi nào cơ hội đưa đất nước bứt phá lại rõ ràng như hiện nay. Đảng, Nhà nước tin tưởng và giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Viettel đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tán thành với định hướng phát triển của Tập đoàn thời gian tới, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Viettel phải phấn đấu trở thành tập đoàn công nghiệp và công nghệ hùng mạnh mang tầm khu vực và thế giới, là nơi sản sinh ra các công nghệ và cung cấp sản phẩm công nghệ cao có giá trị toàn cầu.
Thủ tướng đặt ra các cột mốc cho sự phát triển của Viettel: Đến năm 2025 Viettel cần đạt mục tiêu đứng trong nhóm 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới; duy trì tốc độ tăng trưởng từ 10%/năm trở lên, trong đó công nghiệp công nghệ cao đóng góp 50% tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, Viettel đứng trong nhóm các nhà sản xuất công nghệ cao có quy mô công nghiệp hàng đầu thế giới, có số sản phẩm cốt lõi đi trước và vượt trội, tạo ra tiêu chuẩn quốc tế.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Tập đoàn cần thực hiện tốt trách nhiệm là doanh nghiệp quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia, tập trung vào chuyển đổi số Chính phủ, doanh nghiệp, xã hội; nhanh chóng triển khai công nghệ 5G và các hạ tầng đáp ứng cơ hội phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Phát triển công nghiệp trong đó có công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, nhất là thiết bị hạ tầng mạng; cần giữ mô hình kiểu mẫu về doanh nghiệp Nhà nước, Đảng lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp và toàn diện, nhận nhiệm vụ khó khăn nhất mà Đảng Nhà nước giao.
Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, tiếp tục sứ mệnh "Sáng tạo vì con người”, Viettel tuyên bố tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, thực hiện chuyển đổi số và kiến tạo xã hội số ở Việt Nam. Viettel sẽ đẩy mạnh 3 ngành công nghiệp công nghệ cao là công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh mạng nhằm bắt nhịp cùng thế giới trong cuộc cách mạng 4.0; đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền của đất nước trên cả không gian thực và không gian ảo.
Trước mắt, Viettel đầu tư để sớm nhất triển khai thương mại hóa công nghệ siêu băng rộng 5G, tạo ra hạ tầng kết nối IoT rộng khắp để kết nối hàng tỉ thiết bị, quản lý và điều khiển tự động với tốc độ siêu nhanh, không độ trễ. Cùng với đó, Viettel tiên phong phát triển và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số, gồm thanh toán số - Mobile money, nội dung số, nhất là là trong lĩnh vực giáo dục, thương mại điện tử, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội. Với tiềm lực đã tích lũy, Viettel sẽ chủ động tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, tập trung xây dựng các cở sở dữ liệu công dân, dữ liệu tài nguyên quốc gia.