Cùng dự có lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương, các Tổ chức quốc tế, doanh nhân, nhà đầu tư cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh trong khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong hai năm 2021 và 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động như cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột tại Ukraine cũng các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, thiên tai, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên... Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 lân lan mạnh, ảnh hưởng tới toàn thế giới và mọi mặt đời sống xã hội khiến giá dầu, giá cả các dịch vụ, hàng hóa tăng, đứt gẫy chuỗi cung ứng...
Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.
Đặc biệt, nhờ sự lãnh đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế..., cả nước đã chuyển hướng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, cả nước tiếp tục kiềm chế tốt dịch bệnh COVID-19; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn được đảm bảo; chính trị ổn định; giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được tăng cường; các vấn đề tồn đọng nhiều năm và các vấn đề mới nổi lên được chỉ đạo, xử lý kịp thời; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được đảm bảo. Nhờ đó niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên...
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, Gia Lai là tỉnh có truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng; có tiềm năng, lợi thế để phát triển. Sau 2 năm xảy ra dịch COVID-19, cùng với cả nước, tỉnh Gia Lai đã phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Điều đó tạo điều kiện để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, có việc thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư.
Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội khôi phục nhanh, phát triển bền vững, tỉnh Gia Lai cần thực hiện tốt phòng, chống dịch COVID-19; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch để tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, tạo không gian phát triển mới; tiếp tục cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo; đa dạng hóa chuỗi cung ứng; thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các nhà đầu tư tìm hiểu kỹ, thấu hiểu sâu sắc để yêu mến mảnh đất, con người, văn hóa Gia Lai; thực hiện đầu tư nghiêm túc, hiệu quả, lâu dài tại Gia Lai; kinh doanh trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp, tạo điều kiện, giúp đỡ tỉnh Gia Lai khắc phục khó khăn, hạn chế, khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển, trên tinh thần chân thành, tin tưởng, trách nhiệm; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “xin - cho”, tiêu cực.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm nay, tỉnh Gia Lai kêu gọi đầu tư 112 dự án trong giai đoạn 2022 - 2025 bao gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng; chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thương mại, dịch vụ, du lịch.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Gia Lai đã thu hút được 515 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 83.000 đồng, tăng gấp 5 lần số dự án và 36 lần tổng mức đầu tư so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, có 237 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 65.900 tỷ đồng gồm: 31 dự án nông, lâm nghiệp, 141 dự án công nghiệp chế biến, 24 dự án thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục, 17 dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, 24 dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Riêng năm 2021 có 60 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 29.000 tỷ đồng, 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất với tổng vốn đăng ký khoảng 67.000 tỷ đồng. Đến nay, nhiều Tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đã có mặt tại Gia Lai với các dự án đầu tư quy mô lớn như: FLC, Golf Long Thành, Thành Thành Công, Trung Nam, công ty TNHH Meiwa Việt Nam thuộc Tập đoàn Meiwa Nhật Bản, công ty KEPCO...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành, là cửa ngõ của khu vực, tỉnh Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ.
Tỉnh Gia Lai có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, với hơn 845.000 ha, phù hợp phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, tỉnh có nhiều tiềm năng thuận lợi phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo. Hiện nay, tỉnh Gia Lai quy hoạch 21 cụm công nghiệp; trong đó, có 12 cụm công nghiệp. Những điều kiện thuận lợi này đang từng bước được tỉnh phát huy hiệu quả, mở ra “cánh cửa” mới chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào 3 lĩnh vực thế mạnh bao gồm: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chứng kiến lễ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng và lễ ký 29 biên bản ghi nhớ hợp tác với tổng vốn đăng ký hơn 115.000 tỷ đồng.