Với tư cách nước điều phối, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu chính, đánh giá toàn diện quan hệ Đối tác Chiến lược và hợp tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản. Thủ tướng bày tỏ vui mừng đánh giá quan hệ hai bên được đẩy mạnh toàn diện, đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhiều hoạt động được triển khai như hợp tác an ninh biển, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, hợp tác quốc phòng, chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân, nâng cao năng lực pháp luật... Trong hợp tác kinh tế, Nhật Bản là đối tác thương mại đứng thứ 4, nhà đầu tư thứ 2 của ASEAN, nhà cung cấp ODA hàng đầu cho nhiều nước ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn hai bên đẩy mạnh hợp tác bảo vệ môi trường biển, ứng phó thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm, xử lý rác thải, chăm sóc y tế cho người cao tuổi, năng lượng sạch, phát triển bền vững ở Meking...; hoan nghênh gắn kết Kế hoạch Tổng thể kết nối ASEAN 2025 với Chương trình Đối tác mở rộng hạ tầng chất lượng cao và trông đợi hợp tác cụ thể; đánh giá cao hỗ trợ qua Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản (JAIF) tăng cường trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, doanh nghiệp...
Đề cập tới tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu quan điểm của ASEAN về các nội dung liên quan tới Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên…
Chia sẻ đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao quan hệ với Nhật Bản và nhất trí phát huy hơn nữa mối quan hệ này. Các nước đề nghị tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như kết nối, nhất là kết nối cơ sở hạ tầng, hợp tác thành phố thông minh, an ninh mạng, chống khủng bố, phục hồi sau thảm họa, hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển...
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá cao vai trò quan trọng của ASEAN; ủng hộ văn kiện Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có vai trò trung tâm ASEAN, và nhất trí tăng cường hợp tác toàn diện với ASEAN.
Thủ tướng Nhật Bản đề nghị các nước thông qua Tuyên bố chung Về kết nối; thông báo các sáng kiến hợp tác quan trọng, trong đó có tăng nguồn lực tài chính hỗ trợ cho ASEAN, tổ chức đào tạo về an ninh mạng, hợp tác thúc đẩy thành phố thông minh, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, khai thác cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế số và đổi mới sáng tạo, rác thải nhựa, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, giao lưu người dân, văn hóa và chăm sóc sức khỏe người dân...
Thủ tướng Abe nhấn mạnh ASEAN và Nhật Bản cần nỗ lực đóng góp củng cố hệ thống thương mại đa phương tự do rộng mở, công bằng và dựa trên luật lệ và hoan nghênh tiến bộ trong đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thủ tướng Abe bày tỏ ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, trong đó có khẳng định lại tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, tự do an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, kiềm chế, không quân sự hóa, không có hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.
Kết thúc hội nghị, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 22 về kết nối.