Bước sang năm 2019 với tâm thế tự tin trong hội nhập, ngành công thương kỳ vọng sẽ góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2019 tăng 6,8% qua kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng khoảng 8 - 10 và tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay từ quý I/2019, Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương quan trọng của Chính phủ đối với ngành và đã thành công, cam kết lời nói đi đôi với hành động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức quản lý với bước đi vững chắc, tiết giảm 72,1% điều kiện kinh doanh. Từ đó, giải phóng sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng quyết liệt đồng hành vì sự phát triển của ngành nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo tập trung, trọng điểm góp phần phát triển toàn diện thời gian qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra rằng, bên cạnh những thành quả đạt được, Bộ Công Thương vẫn chưa có tính chủ động cao. Một số quy hoạch chậm triển khai, một số quy hoạch đề xuất bổ sung, sửa đổi chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Hơn nữa, ngành công nghiệp nước ta chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự dẫn dắt để nâng cao năng lực cạnh tranh. Kỷ nguyên số trong sản xuất công nghiệp, thương mại còn nhiều vấn đề cần khắc phục...
Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, năm 2018 là một năm biến động đối với dệt may toàn cầu do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt, chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng…
Do đó, đây là năm tăng trưởng "đột biến" của ngành dệt may trong nước bởi những năm "hoàng kim" như 2007-2008, mức tăng của ngành này đạt 34% nhưng thực tế về giá trị tuyệt đối cũng chỉ đạt hơn 2 tỷ USD. Trong khi đó, những năm gần đây, ở mức tăng 10% thì trung bình cũng tăng từ 2,5 - 3 tỷ USD về kim ngạch. Chính vì vậy, con số 5 tỷ USD tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của năm 2018 được coi là con số đặc biệt, bằng 100% kim ngạch xuất khẩu của năm 2007.
Bước sang năm 2019, dự báo ngành dệt may sẽ không khởi sắc về cầu khi các dự báo cho thấy các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu tăng trưởng đều thấp hơn. Ngoài ra, với xu thế thắt chặt dòng tiền tại các quốc gia nhập khẩu vẫn tiếp diễn. Mặt khác, ngành còn đối diện với những tác động của chiến tranh thương mại phức tạp Mỹ - Trung.
Vì thế, ngành dệt may kỳ vọng năm 2019 giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 8%... Hơn nữa, dự báo trong năm nay và các năm tiếp theo, với việc thực thi các FTA và các hiệp định lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội từ hai thị trường này.
Do vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng. Điều này sẽ dẫn tới cán cân thương mại có thể đảo chiều đang từ xuất siêu sang nhập siêu.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nêu lên các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 của ngành công thương. Theo đó, Bộ sẽ tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại.
Đặc biệt, tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành công thương. Bộ Công Thương xác định, đây tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm xuyến suốt, có ý nghĩa quyết định trong quá đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Bộ trưởng khẳng định, năm 2019, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa 79 thủ tục hành chính. Đồng thời, nâng cấp mức độ các dịch vụ công trực tuyến của Bộ để đảm bảo mục tiêu đến hết năm 2019 sẽ có 173/291 dịch vụ được thực hiện ở cấp độ 3 và 4.
Mặt khác, đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành công thương theo đề án được Thủ tướng phê duyệt gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai nhiệm mạnh mẽ và thực chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong các lĩnh vực hoạt động của ngành.
Hơn nữa sẽ rà soát, cân đối lại tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng và thực hiện các cơ chế chính sách, biện pháp để bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong dài hạn và theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực kinh tế ngoài nhà nước….
Thực hiện tốt việc phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước để tiếp tục tập trung hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương theo đúng quy hoạch, phương án, lộ trình được phê duyệt.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, Bộ sẽ tiếp tục tập trung xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nước ngoài. Theo đó, xác định đổi mới để tạo sự kết nối đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua rào cản thương mại, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam....