Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: TTXVN |
Trước đó, Đại hội đã bầu ra 151 đại biểu tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá XI. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá XI đã tổ chức hội nghị lần thứ nhất bầu ra Ban Thường vụ với 31 ủy viên, bầu Ban Bí thư với 4 thành viên. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khoá X Lê Quốc Phong tái đắc cử Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khoá XI. Ba Bí thư Trung ương Đoàn khóa X gồm: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Lương và Bùi Quang Huy cũng tái đắc cử Bí thư Trung ương Đoàn khóa XI.
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự Đại hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khoá XI Lê Quốc Phong đã cùng ký Nghị quyết liên tịch về Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 – 2022.
Theo đó, Nghị quyết liên tịch sẽ có 9 điều với 43 nhiệm vụ phối hợp công tác giữa Trung ương Đoàn và các bộ, ngành. Nghị quyết có mục tiêu phát huy tính xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tập trung trong các lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, lao động sáng tạo. Các hoạt động xung kích, tình nguyện sẽ hướng tới các địa bàn khó khăn miền núi, biên giới, hải đảo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký Nghị quyết liên tịch về Quy chế phối hợp giữa Chính phủ với Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2022. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu trước các đoàn viên thanh niên ưu tú về dự Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi đến dự phiên bế mạc Đại hội và chứng kiến việc ký Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Đoàn Thanh niên.
Đánh giá về Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đại hội đã được tổ chức tốt cả về nội dung và hình thức, có sức thu hút cao, đưa phong trào công tác Đoàn, phong trào thanh niên đi vào chiều sâu, đặc biệt là tổ chức 8 diễn đàn thảo luận chất lượng tốt. Đáng chú ý, Đại hội ứng dụng công nghệ và có nhiều nội dung đổi mới, thể hiện cả truyền thống và hiện đại, được người dân và các tầng lớp thanh niên cả nước đặc biệt quan tâm. Thủ tướng hoan nghênh Đại hội đã bầu được Ban Chấp hành khóa mới đủ số lượng, mạnh về chất lượng, có cơ cấu tốt. Đây chính là tiền đề và ấn tượng tốt để tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ trong 5 năm tới.
Nhận xét về kết quả công tác phối hợp giữa Đoàn Thanh niên với Chính phủ và các cấp chính quyền, Thủ tướng đặt yêu cầu cần có một chế độ làm việc định kỳ giữa Chính phủ và Trung ương Đoàn, chính quyền các cấp để tạo cơ chế lắng nghe kiến nghị của thanh niên một cách thường xuyên, liên tục hơn.
“Bản thân Thủ tướng và các Phó Thủ tướng trong các nhiệm kỳ và nhiệm kỳ này thường xuyên gặp gỡ, thẳng thắn trao đổi với thanh niên, dù sự kiện diễn ra ở miền núi xa xôi ở phía Bắc hay miền Trung,... nhằm tạo điều kiện, thu hút mạnh mẽ hơn giới trẻ tham gia xây dựng Tổ quốc", Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng cũng thẳng thắn nhận xét, công tác phối hợp với tổ chức Đoàn nhiều địa phương làm tốt nhưng cũng còn một số địa phương làm chưa tốt, còn nhiều vấn đề tồn tại phải khắc phục như: Công tác giáo dục lý tưởng cho thanh niên; việc gương mẫu, nêu gương của cán bộ; việc giải quyết việc làm cho thanh niên; vấn đề xâm hại, bảo vệ trẻ em; việc triển khai xây dựng các thiết chế văn hoá, sân chơi cho thanh thiếu nhi… phải tập trung khắc phục trong 5 năm tới.
Thông tin đến Đại hội về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước năm 2017, Thủ tướng nêu rõ mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhất là hậu quả nặng nề của mưa lũ nhưng tiềm lực quốc gia vẫn được tăng cường, cân đối kinh tế được giữ vững, vấn đề xã hội, cải cách giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm tốt hơn.
Theo Thủ tướng, đất nước phát triển, tỷ lệ nghèo đói giảm nhanh là điều rất đáng mừng, nhưng nguy cơ tụt hậu vẫn rất lớn, đất nước vẫn phải đối mặt với đe dọa từ diễn biến hoà bình, nạn tham nhũng, tiêu cực.
Mong muốn “các bạn trẻ phải nhận ra vấn đề này tốt hơn”, Thủ tướng đặt câu hỏi về lý tưởng sống của giới trẻ và khẳng định, đất nước đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ. Do đó, tuổi trẻ cả nước phải cống hiến cho học tập, lao động, “quên mình để chống tụt hậu”.
Kỳ vọng thanh niên phải là người đi tiên phong, dấn thân trong mọi lĩnh vực. Thủ tướng tin tưởng nhiều bạn trẻ sẽ là “chiến binh khởi nghiệp, chiến binh công nghệ, chiến binh thương mại toàn cầu và chiến binh kiên cường giữ gìn bờ cõi quốc gia”. Hàng nghìn năm lịch sử giữ nước đã chứng minh hoàn toàn có thể đặt niềm tin giới trẻ có thể lập chiến công trong thể kỷ 21, Thủ tướng bày tỏ.
Từ niềm tin vững chắc đó, Thủ tướng đề nghị đoàn viên, thanh niên cần bám sát nhiệm vụ chính trị, thu hút, động viên thanh niên tham gia ngày càng tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát huy vai trò xung kích "việc cần thanh niên có, việc khó có thanh niên”.
Thủ tướng đặt ra yêu cầu triển khai nhiều cơ chế chính sách, đặc biệt ở cấp Chính phủ, nhất là chính sách lớn cho khởi nghiệp, lập nghiệp cho lớp trẻ.
Toàn cảnh lễ bế mạc. Ảnh: TTXVN |
Nói về sự sôi động của phong trào khởi nghiệp cả nước với ước tính có đến trên 120.000 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2017 mà phần lớn là người trẻ, Thủ tướng mong đợi thanh niên đóng góp quan trọng hơn nữa vào hoạt động này, hiện thực hóa mục tiêu thành lập thêm nửa triệu doanh nghiệp đến năm 2020 để Việt Nam có trên 1 triệu doanh nghiệp.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tập trung rà soát, không ngừng hoàn thiện chính sách thanh niên; ban hành mới cơ chế chính sách khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, giải quyết việc làm và những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội.